Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đối tác vào cùng phe

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ riêng việc ông Ebrahim Raisi là tổng thống Iran đầu tiên tới thăm Trung Quốc kể từ 20 năm nay đã đủ để cho thấy sự kiện ngoại giao này có tầm quan trọng như thế nào đối với mối quan hệ giữa Iran và Trung Quốc.

Với việc ký kết 20 văn kiện tuyên bố ý định về thúc đẩy hợp tác song phương trên lĩnh vực thương mại, nông nghiệp và môi trường, đặc biệt với những phát ngôn cùng đề cao mối quan hệ song phương và quả quyết đoàn kết, hậu thuẫn lẫn nhau đặc biệt trong những thời kỳ khó khăn, ông Raisi và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa lại cho cặp quan hệ song phương này chất lượng mới và tầm cỡ mới cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất. Có thể nói theo cách khác là Trung Quốc và Iran vào cùng một phe.

Mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Iran về kinh tế, thương mại và đầu tư đã có được nền tảng vững chắc và tiền đề phát triển thuận lợi với hiệp ước hợp tác cho thời gian 25 năm mà hai bên đã ký kết với nhau cách đây mấy năm. Trung Quốc trở thành nước đầu tư trực tiếp nhiều nhất vào Iran và đối tác thương mại lớn nhất của Iran.

Cùng với Nga, Trung Quốc đã trở thành chỗ dựa đáng tin cậy nhất và đắc dụng nhất của Iran trong công cuộc đối phó những biện pháp chính sách mà Mỹ, EU và đồng minh áp dụng lâu nay nhằm trừng phạt Iran về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư và tài chính liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.

Mỹ cạnh tranh chiến lược rất quyết liệt với Trung Quốc trên mọi phương diện và hiện cùng đồng minh đối địch Nga không khoan nhượng liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Mỹ và EU muốn giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran theo kiểu nào, chẳng hạn như muốn Iran tiếp tục tuân thủ Thoả thuận năm 2015 về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA, ký kết giữa Iran với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) thì cũng cần sự hợp tác và đồng hành của Nga và Trung Quốc. Tất cả những điều này giúp cho Iran, Trung Quốc và Nga dễ dàng trở thành đối tác chiến lược và đồng minh tự nhiên của nhau.

Iran càng bị phe kia gây khó thì càng cần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thân thiện và hợp tác với Trung Quốc, dùng các cơ chế và dự án hợp tác đầu tư và tài chính với Trung Quốc để vô hiệu hoá hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực của những biện pháp chính sách của Mỹ, EU và đồng minh trừng phạt Iran.

Trung Quốc hiện cũng có nhu cầu thiết thực cấp thiết về thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Iran. Tranh thủ Iran và ràng buộc Iran gắn kết vào quan hệ hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc giúp nước này có thêm được đối tác và đồng minh giá trị cũng như con chủ bài sáng giá trong đối phó Mỹ, EU và đồng minh. Đồng thời, Trung Quốc phải đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Iran để tạo thế cân bằng quan hệ của Trung Quốc với các đối tác ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh. Cách đây không lâu, ông Tập Cận Bình đã công du một số vương triều Ả rập ở vùng Vịnh và mở ra thời kỳ quan hệ hợp tác mới giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực này. Trong số các nước Ả rập mà ông Tập Cận Bình tăng cường rõ rệt quan hệ hợp tác của Trung Quốc có những nước thù địch với Iran hoặc cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt với Iran trên mọi phương diện ở khu vực. Cân bằng quan hệ ở nơi này mới thật sự có lợi nhất cho Trung Quốc cả hiện tại cũng như trong tương lai xa.

Ông Raisi công du Trung Quốc lần đầu tiên trên cương vị tổng thống Iran và có được ngay thành quả mỹ mãn bởi Trung Quốc và Iran hiện hội tụ được đầy đủ cả thiên thời lẫn địa lợi và nhân hoà cho việc thúc đẩy mạnh mẽ các mối quan hệ hợp tác song phương trên nhiều phương diện. Nga cũng được hưởng lợi từ diễn biến này trong khi Mỹ, EU và đồng minh có lý do xác đáng để quan ngại hơn trước.