Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi thay kỳ diệu trên mảnh đất đau thương

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những cánh đồng rau xanh mướt, đàn bò lững thững gặm cỏ; trang trại, ao cá rộng hàng chục héc ta, nhiều con đường làng bê tông thẳng tắp...

Đó là sự đổi thay kỳ diệu mà ít ai biết rằng 40 năm về trước, Tứ Hiệp từng hứng chịu hàng trăm quả bom đánh phá của Mỹ trong trận chiến 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", gây tổn thất lớn về người và của.

Làm giàu trên những hố bom

Chúng tôi tìm về nhà anh Trương Minh Quốc, chủ trang trại VAC tại xã Tứ Hiệp. Nếu 40 năm trước, nơi đây mảnh đất bị cày xới bởi bom đạn Mỹ thì nay được thay thế bằng những đầm thủy sản. Tiếp chúng tôi, anh Quốc hồ hởi khoe: Những năm gần đây, giá cá trên thị trường tăng cao và khá ổn định nên thu nhập từ 30 mẫu nuôi thả cá tăng cao.

Trừ các khoản chi phí, mỗi năm, tôi thu lãi trên 100 triệu đồng. Mô hình nuôi cá kết hợp chăn thả gia súc, gia cầm của các hộ khác trên địa bàn xã Tứ Hiệp đều cho sản lượng từ 6,5 - 13,5 tấn/ha, giải quyết nhu cầu việc làm tại chỗ cho người nông dân. Theo ông Trương Đức Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp: "Nuôi thả cá là một thế mạnh của người dân địa phương, có thời điểm, xã đứng đầu toàn huyện về sản lượng cá và cho thu nhập tương đối ổn định, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp của xã bình quân hàng năm đạt từ  16 - 17 tỷ đồng/năm".
 
Đổi thay kỳ diệu trên mảnh đất đau thương - Ảnh 1
Đường làng thôn Cổ Điển A, xã Tứ Hiệp ngày nay.Ảnh: Thủy Nguyễn
 
Hàng năm, UBND xã đã chỉ đạo nhân dân tập trung chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, đưa các giống cá cho sản lượng cao, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Toàn xã hiện có 151 con trâu bò, 253 con lợn và hàng vạn con gia cầm các loại.

Để giúp người dân có điều kiện sản xuất, xã đã đầu tư kinh phí nạo vét kênh mương, đồng thời ra nghị quyết hỗ trợ cơ chế chính sách, vốn, con giống tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân đầu tư sản xuất với quy mô lớn và lâu dài.

Không quên đau thương

"Được sống, chứng kiến và trải qua 2 giai đoạn lịch sử của địa phương, trước và sau năm 1972, nhất là sau năm 1986 mới thấy những đổi thay kỳ diệu mà Đảng bộ và nhân dân xã Tứ Hiệp đã đạt được" - đó là lời chia sẻ của ông Trương Đức Long, Bí thư Đảng ủy xã.

40 năm sau chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", tất cả ký ức khói lửa, bi tráng như vẫn còn in dấu trong trí nhớ của mỗi người dân nơi đây. Là người trực tiếp tham gia chiến đấu và bảo vệ chiến đấu trong 12 ngày đêm đó, bà Nguyễn Thị Lộc (lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch hành chính, Trưởng Công an xã) cho biết: "Khi B52 của Mỹ đánh tới, cứ giữa làng nó đánh. Bao nhiêu nhà cửa đổ nát, thóc lúa, lợn gà... mất trắng.

Có thời điểm chúng thả tới hàng chục quả bom. Chúng dải bom ở suốt cánh đồng Sau Quán ra đến tận đầm Quang Lai, lượng bom thả không thể đếm được. Tính chung trong năm 1972, chúng ném tới 300 quả vào các làng và khu sản xuất tại cánh đồng Tứ Hiệp, Quang Lai, đồng Đó, đồng Cụt, đồng The".

Biến đau thương thành hành động, cán bộ và nhân dân xã Tứ Hiệp đã khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung khôi phục và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Đảng (bấy giờ là chủ nhiệm hợp tác xã hợp nhất Đồng A, nay là thôn Cổ Điển A và thôn Đồng Trì) kể lại: "Sau giai đoạn đó, cán bộ và nhân dân trong xã đã tập trung san lấp hố bom, rà soát bom chưa nổ để tháo gỡ giúp người dân tiếp tục cày cấy.

Mỗi một cánh đồng đều có 1 hầm, hào trú ẩn, cấy ngày không đủ tranh thủ cấy đêm". Chỉ tính riêng thôn Cổ Điển A đã san lấp 20 mẫu ruộng bị bom khoét, cải tạo 48 mẫu ở Đồng Nổi, 52 mẫu Đẩm Khổ thành các khu chuyên cấy lúa và thả cá. Chính với tinh thần sáng tạo, đoàn kết nhất trí một lòng, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã tạo nên bước phát triển kỳ diệu...

Như lời chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã Tứ Hiệp: "Cuộc sống thời xưa ta phấn đấu ăn no mặc ấm nhưng bây giờ là ăn ngon mặc đẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường, đó mới là tiêu chí quan trọng". Và nhiệm vụ trước mắt mà Đảng bộ, chính quyền xã Tứ Hiệp triển khai thực hiện là tiếp tục duy trì gần 200ha đất nông nghiệp, tập trung cho công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho nông dân, bởi dự kiến đến năm 2013, Tứ Hiệp có từ 63 - 65ha diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ các dự án của huyện và thành phố.