Về xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ hôm nay mới thấy được sự đổi thay nơi mảnh đất cằn, với màu sắc tươi mới của những vườn cây ăn trái, những ruộng rau xanh non, cánh đồng lúa trải dài tít tắp. Đó là thành quả của sự nỗ lực trong việc thực hiện mục tiêu sớm hoàn thành dồn điền đổi thửa và xây dựng những mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế của chính quyền và người dân trong xã.
Mô hình nuôi cá kết hợp trồng cây ăn quả của ông Lê Văn Anh, ở thôn Lam Điền là một trong những mô hình chuyển đổi tiêu biểu. Năm 2005, với diện tích 1ha gồm diện tích ruộng của gia đình và nhận thầu thêm ruộng của các hộ gia đình khác trong xã, ông đã mạnh dạn đầu tư vốn đào ao thả cá, kết hợp trồng các loại cây ăn quả. Ông Anh chia sẻ: "Hiện, với 2 ao nuôi cá và 200 gốc bưởi Diễn, chanh đào, ổi, gia đình tôi thu lãi trên 100 triệu đồng mỗi năm". Ông Nguyễn Đức Nhàn - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Lam Điền cho biết, với mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, thời gian qua, xã quyết liệt trong thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, cuối năm 2012, xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa.
Chủ nhiệm HTX Lam Điền Nguyễn Đức Nhàn giới thiệu mô hình trồng bưởi cho năng suất cao.
|
Thu nhập tăng, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Đó là thành công bước đầu từ việc cấy những giống lúa lai ngắn ngày, năng suất cao; trồng rau an toàn cho thu nhập trung bình 8 triệu đồng/sào/vụ. Đặc biệt là hiệu quả từ những mô hình chuyển đổi cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa truyền thống, như mô hình trồng cây ăn quả (nhãn muộn, bưởi Diễn... ); mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả. Theo số liệu thống kê của UBND xã Lam Điền, toàn xã hiện có trên 150 mô hình chuyển đổi, cho thu nhập bình quân đạt từ 140 - 160 triệu đồng/năm. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 19,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,3%.
Lam Điền còn là địa phương phát huy thế mạnh chăn nuôi của huyện Chương Mỹ. Đến nay, xã có 40 mô hình nuôi gà hậu bị (quy mô trung bình 5.000 con/trại), 13 mô hình nuôi gà đẻ trứng, 66 mô hình nuôi lợn (quy mô 100 con/trại) và 40 mô hình tổng hợp khác. Hầu hết các trang trại đều nằm trong các khu quy hoạch chăn nuôi xa khu dân cư với tổng diện tích 144ha. Các hộ chăn nuôi đều ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Tập đoàn CP đóng trên địa bàn huyện Chương Mỹ, nên không lo về đầu ra cho sản phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Nhàn, việc nâng cao thu nhập cho người dân từ phát triển và nhân rộng mô hình vẫn gặp không ít khó khăn do các mô hình chủ yếu hình thành theo kiểu tự phát, theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài" nên chưa phát huy tối đa hiệu quả. Bên cạnh đó, việc phát triển mô hình chưa đúng theo quy hoạch bài bản cùng với thủ tục vay vốn phức tạp cũng là nguyên nhân khiến việc tiếp cận nguồn vốn vay của người dân gặp trở ngại. Vì vậy, xã mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ của huyện và TP để người dân yên tâm đầu tư sản xuất.