Ảnh minh họa |
Tại văn bản gửi tới Bộ Tài chính góp ý cho dự thảo "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách Nhà nước" của UBND TP Hồ Chí Minh, một loạt sắc thuế hiện nay như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường... đều có dư địa để mở rộng cơ sở thuế.
Theo đó, cơ quan này đề xuất, có thể nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng hóa, dịch vụ như điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ...
Nguyên nhân của đề xuất này là vì nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ thuộc nhóm khá cao cấp. Điều này giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên. “Các hàng hóa, dịch vụ còn lại dù không phải là hàng hóa, dịch vụ cao cấp song cũng không phải là hàng hóa, dịch vụ rất thiết yếu. Điện thoại di động tuy là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới”- văn bản của UBND TP Hồ Chí Minh thông tin
Dù mới chỉ dừng ở mức đề xuất nhưng thông tin này đã ngay lập tức nhận được nhiều phản ứng không đồng tình của dư luận và các chuyên gia. Theo các chuyên gia, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với một loạt mặt hàng, trong đó đặc biệt là điện thoại đi động là không hợp lý, trái với thông lệ quốc tế, thậm chí tận thu.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty luật Basico, đề xuất này không khác hạn chế triệt để nhu cầu tiêu dùng. “Đánh thuế để thu tiền, nhưng không chỉ có mỗi triết lý tận thu. Chính quyền muốn thu được nhiều thuế thì phải nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, tăng tiêu thụ để tăng nguồn thu, chứ không phải là tăng thuế trên mọi sản phẩm thiết yếu và đại trà”- ông Đức nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chính sách và Phát triển, thuế TTĐB phải đánh vào hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng, những hàng tiêu tốn ngoại tệ nhập khẩu hoặc ảnh hưởng xấu tới môi trường như ô tô... Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, khi áp dụng thuế TTĐB, phải phân tích chỉ rõ được tác động xấu của loại hàng hóa đó, ví dụ, rượu bia, thuốc lá tác động xấu tới sức khỏe, cộng đồng. “Thông lệ quốc tế, tôi chưa thấy có nước nào đánh thuế TTĐB với điện thoại di động”- ông Bình cho hay.
Theo vị chuyên gia này, các mức thuế ở Việt Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế, các mức thuế suất không hề nhỏ so với các nước như thuế giá trị gia tăng ở mức 10%, thuế thu nhập DN 20%... Có nhiều khoản thu hiện chưa đưa vào khuôn khổ, quản lý chặt chẽ như nhiều nhà hàng, hộ cá thể “lờ” đi việc xuất hóa đơn... Vì thế, vấn đề nằm ở chỗ mở rộng nguồn thu hợp lý bằng cách chống thất thu ngân sách chứ không phải tận thu”.