Theo đánh giá của các thành viên BCĐ, năm 2017, cấp ủy, chính quyền từ TP tới cơ sở đã thường xuyên quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kết luận 120 ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 04 ngày 14/1/2016 của Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, gắn việc thực hiện QCDC với các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị và TP.
BCĐ xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP và cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; đã có nhiều đổi mới, chủ động tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn TP đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì cuộc họp BCĐ nhằm đánh giá kết quả xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2017. |
Đáng chú ý trong năm, đã có 26/30 quận, huyện, thị xã và 468/584 xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và Nhân dân; nhiều địa phương đã triển khai sớm như quận Thanh Xuân, huyện Phúc Thọ, Thạch Thất…
Lắng nghe các ý kiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao nỗ lực của toàn TP trong triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, góp phần rất quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị trong năm 2017. Đáng chú ý, nét mới năm 2017 là Thành ủy đã chủ động, kịp thời ban hành một số văn bản chỉ đạo về thực hiện QCDC ở cơ sở, nhất là Quyết định 2200 ngày 25/5/2017; Hà Nội được Ban Chấp hành T.Ư biểu dương là một trong những địa phương đầu tiên triển khai “quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và Nhân dân trên địa bàn”. “Có những quận, huyện định kỳ đối thoại hàng quý, thể hiện hiệu quả cao, bởi mỗi khi chuẩn bị ra chủ trương chính sách, chuẩn bị GPMB…, nếu đối thoại để người dân hiểu thì sẽ giúp thực hiện tốt. 468 xã, phường, thị trấn đã tổ chức đối thoại cũng là kết quả rất ấn tượng. Lãnh đạo TP cũng triển khai rất tốt công tác này, trong đó năm nay nhiều lần đối thoại trực tiếp với các nhân sỹ trí thức, những người làm công tác di sản văn hóa tiêu biểu của Hà Nội, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận ở 64 xã...”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh. Trong năm tới, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các cán bộ dân vận cần đến gần hơn với người dân, đi liền với nâng cao chất lượng; cần coi trọng tăng chất lượng công tác kiểm tra, trong đó cần biểu dương những đơn vị làm tốt và chỉ rõ địa chỉ những đơn vị làm chưa tốt. “QCDC ở cơ sở vừa là giải pháp vừa là nhiệm vụ để giúp thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội các cấp”, đồng chí nhấn mạnh và nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2018.
Trong đó, cần tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện QCDC cơ sở, làm tốt việc tuyên truyền quán triệt Kết luận 120 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 04 của Thành ủy. Năm nay cũng sẽ tổng kết đánh giá 30 năm thực hiện Chỉ thị 30, gắn với đánh giá 10 năm thực hiện QCDC cơ sở qua việc 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, sơ kết 5 năm thực hiện Luật Thủ đô và đánh giá 10 năm xây dựng quy ước, hương ước cơ sở. Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của TP, trong đó chủ đề của năm 2018 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, triển khai 4 Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 6.Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, việc tổng kết công tác xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP sẽ được tiến hành vào đầu tháng 1/2018, cùng với đánh giá các công tác dân vận, tôn giáo, dân tộc. Đây cũng là một nội dung chấm điểm thi đua của các ngành, đoàn thể trong việc đề nghị bình xét khen thưởng công tác dân vận nói chung.