Kinhtedothi - Ngày 21/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt và đảm bảo hoạt động ATM trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Theo đó, NHNN sẽ siết chặt hoạt động đổi tiền lẻ 'chui' và thực hiện phạt hành chính với vi phạm này từ 20 - 40 triệu đồng.
Không in thêm tiền mới mệnh giá dưới 5.000 đồng
Theo báo cáo của NHNN, khảo sát thực tế trong mùa lễ hội 2014 cho thấy, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tại khu vực đền, chùa, khu di tích, lễ hội đã có những chuyển biến tích cực. Hiện tượng đặt tiền lễ tại các ban thờ, ném tiền, thả tiền… đã giảm so với các năm trước, hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch phần
nào đã được chấn chỉnh. Việc hạn chế phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông đã khiến cho tỷ lệ tiền mệnh giá nhỏ quay về hệ thống ngân hàng sau dịp lễ hội thấp hơn nhiều so với các năm trước, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các kho tiền của ngân hàng, tạo thuận lợi cho công tác bảo quản, kiểm đếm và chọn lựa tiền cũng như đảm bảo các yêu cầu về an toàn kho quỹ.
Hiện nay, để tiết kiệm chi phí, NHNN không in các loại tiền mệnh giá nhỏ (dưới 5.000 đồng). Tuy nhiên, lượng tiền mệnh giá nhỏ đủ tiêu chuẩn lưu thông để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2015 và các năm tiếp theo vẫn được cơ quan này duy trì và đáp ứng việc sử dụng. Theo tính toán, nếu tiếp tục không in thêm tiền mới từ 5.000 đồng trở xuống trong dịp Tết Nguyên đán 2015, NHNN sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 96/2014/NĐ - CP về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép, trong đó có đưa hoạt động đổi tiền lẻ. “Theo đó, đối với hoạt động đổi tiền lẻ là không được phép hoạt động, do vậy nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng. Đây là điểm mới trong năm nay” - ông Tú nói.
Hiện, NHNN đã và đang phối hợp với Bộ VHTT&DL, các bộ, ban, ngành, địa phương tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ đúng mục đích; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch theo quy định.
Triển khai dịch vụ ATM lưu động
Về hoạt động ATM, đại diện NHNN thừa nhận, vào dịp lễ, Tết, nhu cầu rút tiền mặt qua ATM tăng mạnh
dẫn đến tình trạng quá tải. Tỷ lệ giao dịch rút tiền mặt qua ATM đến nay vẫn chiếm gần 80% tổng số giao dịch qua ATM.
Để đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn và thông suốt, NHNN đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng phải tiếp quỹ đầy đủ và kịp thời; chủ động lập kế hoạch tăng cường các biện pháp phục vụ chi trả lương, thực hiện chi trả lương bằng tiền mặt cho DN tại các khu vực có ATM không đáp ứng kịp thời nhu cầu chi lương, thưởng Tết… Cơ quan này cũng chủ động theo dõi, giám sát, cập nhật phản ánh của dư luận về tình hình hoạt động ATM để có phản hồi hoặc chỉ đạo các tổ chức phát hành thẻ xử lý nhanh chóng, kịp thời các vấn đề phát sinh khi có khiếu nại của khách hàng hay những thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đặc biệt, NHNN đã xem xét cho phép một số ngân hàng triển khai dịch vụ ATM lưu động nhằm hỗ trợ giảm tải cho các ATM cố định, nhất là vào các thời gian cao điểm, các ngày trả lương của khách hàng trên cơ sở đảm bảo an toàn cho khách hàng và ngân hàng.
UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các lãnh đạo sở, ban, ngành chịu trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra vi phạm, xử lý nghiêm tình trạng ép giá, bắt chẹt, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn, văn minh tại lễ hội; chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ, dẹp nạn bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức... trong mùa lễ hội 2015. |
Dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn còn diễn ra tại nhiều đền, chùa. Ảnh: Đức Duy
|
Hiện, NHNN chưa có thống kê cụ thể nhưng một số địa phương đã xử phạt về tình trạng máy ATM hết tiền, trục trặc… theo các quy định tại Nghị định 96. Việc xử phạt tất nhiên phải đúng người, đúng việc. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú |