Trong không gian đậm chất văn hóa của ngôi nhà số 22 Hàng Buồm, chuyên gia người Uruguay đã kể lại cơ duyên ông tới và "phải lòng" thành phố này hơn 20 năm trước.
Đáng nói, ông Martin Rama- chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới không phải cái tên lạ với độc giả yêu Hà Nội. Năm 2014, cuốn sách đầu tiên "Hà Nội, một chốn rong chơi" của ông đã đạt Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội trong hạng mục Tác phẩm.
Chuyến đi lần đầu tới Việt Nam năm 1988 có tác động như thế nào đến cơ duyên ông sống và làm việc tại đây sau này?
Thời điểm tôi đến Hà Nội là năm 1998. Chuyến đi đó để lại trong tôi một ấn tượng rất mạnh mẽ. Khi mới còn là một sinh viên trẻ ở Mỹ Latinh, tôi đã được biết về những người lính Việt Nam và cảm động trước câu chuyện của người dân Việt Nam thời điểm đó.
Tôi cảm nhận rõ rằng bất chấp quá khứ đau thương, người dân Việt Nam rất ấm áp, rất tích cực, họ chỉ nói rằng, bạn biết đấy, hãy cứ hạnh phúc đi. Tôi rất ấn tượng với nét tính cách này của người Việt Nam. Đó là một điều mới mẻ mà tôi đã chờ đợi từ rất lâu, từ khi còn là một thiếu niên. Sự ấm áp quen thuộc này thật có điểm tương đồng với người dân Latinh.
Sự quyến rũ của thành phố Hà Nội cũng thúc đẩy tôi mong muốn được đến đây hơn nữa và rồi 4 năm sau, tôi cùng gia đình chuyển đến Hà Nội. Đến nay, chúng tôi đã sống ở thành phố này dược 8 năm.
Hà Nội để mà nói, thì càng biết nhiều về "cô ấy", càng thấy "cô ấy" thật tuyệt vời. Nếu có thể làm bất cứ điều gì để bảo tồn những "cá tính" của Hà Nội, tôi sẽ luôn sẵn sàng. Bởi tôi đã đi đến nhiều nước đang phát triển và nhiều thành phố trở nên nhạt nhẽo như đường cao tốc và trung tâm mua sắm và không có gì cả, tôi không muốn thấy điều đó ở Hà Nội.
Trong suốt quãng thời gian biết đến Hà Nội và sống tại đây, ông cảm nhận những thay đổi của thành phố này ra sao?
Tôi ấn tượng bởi tốc độ phát triển ở Việt Nam. Tôi hoàn toàn lạc quan rằng các bạn sẽ có một đất nước thịnh vượng chỉ trong một thế hệ. Tôi không thể nói điều đó đối với nhiều quốc gia.
Những mặt khác tôi cũng có ấn tượng khá rõ là "tính cách" Hà Nội, 25 năm nay vẫn vậy. Bất cứ khi nào tôi đi từ sân bay về nhà, những con phố không thay đổi, những con đường rợp bóng cây, những hàng cây, những con người trên vỉa hè. Điều đó đã mang lại cho tôi hy vọng rằng một thành phố có thể phát triển mà không làm mất đi đặc tính của mình.
Tất nhiên, đây là giai đoạn bước ngoặt khi mọi người luôn hướng về phát triển kinh tế. Khi các quốc gia trở nên giàu có, họ cần biết cách quan tâm đến điều này. Tôi muốn làm điều gì đó để giúp đỡ việc bảo tồn những không gian và di sản của Hà Nội.
Cuốn sách thứ hai của ông Martin Rama"Vì tình yêu Hà Nội" xuất bản cuối tháng 7 vừa qua bao gồm 5 chương: Hà Nội thật đặc biệt; Di sản là gì; Các chiến dịch bảo tồn; Thiên sử ca Bùi Chu; Một dự án cho Hà Nội, vì tình yêu Hà Nội.
Là một chuyên gia kinh tế, dưới góc độ của ông, có khi nào nỗ lực bảo tồn những di sản của một thành phố có thể mâu thuẫn với quá trình phát triển?
Điều đó sẽ xung đột nếu một bên cố gắng biến Hà Nội thành một "bảo tàng" trong khi một bên cố gắng cải tạo, bạn biết đấy, theo một cách nguyên sơ. Theo tôi, Việt Nam vốn đã đặt ưu tiên cho đầu tư công, cho cơ sở hạ tầng y tế giáo dục... và cần thu hút khu vực tư nhân thêm vào lĩnh vực bảo tồn di sản, vậy hãy làm điều đó theo cách kết hợp những yếu tố tốt đẹp về Hà Nội, những điều thực sự tốt cho sự phát triển của thành phố.
Tất cả chúng ta đều muốn cuộc sống thoải mái hơn. Tất cả chúng ta đều muốn có những ngôi nhà hiện đại với đầy đủ tiện nghi.... Nhưng bạn vẫn có thể đạt được điều đó theo cách mà vẫn bảo tồn được những giá trị tốt đẹp.
Vậy cách mà ông muốn chia sẻ là gì?
Như trong cuốn sách "Vì tình yêu Hà Nội" (For the Love of Hanoi) tôi cũng đã đề cập tới 3 điều cơ bản. Một là tạo ra ý thức, từ đó hình thành nhận thức về những gì cần được bảo vệ, những gì không nên mất đi. Đó không chỉ là các tòa nhà, mà còn là cách sống. Thứ hai là chính sách cụ thể, phải có chính sách rõ ràng về những thứ cần được bảo vệ: đường phố có cây xanh, vỉa hè rộng rãi, người bán hàng rong được sử dụng vỉa hè, tất cả đều phụ thuộc chính sách công. Và điều thứ ba là sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Khi công tác Bảo tồn Di sản được thực hiện tốt, khu vực tư nhân có thể thu được lợi ích từ đó.
Trong cuốn sách Vì tình yêu Hà Nội cũng như những chia sẻ khác, ông thường gọi Hà Nội là "cô ấy", là "nàng". Nếu Hà Nội là một cô gái, theo ông cô ấy có tính cách, diện mạo thế nào?
Cô ấy không hoàn hảo, cô ấy ồn ào, nhưng cô ấy cũng rất đáng yêu. Vì vậy, đây không phải là tình yêu lý tưởng, mà giống như một người phụ nữ mà bạn hiểu, bạn nhận ra cô ấy tốt về nhiều mặt. Thông qua những cuốn sách này, tôi muốn chia sẻ rằng những điều tốt đẹp không nên bị đánh mất.
Tôi muốn dùng những gì mình biết với tư cách là một nhà kinh tế để khiến cô ấy ngày càng tốt đẹp. Bạn nghĩ vậy làm sao người ta có thể tạo ra một chữ tình? Chỉ yêu thôi là chưa đủ. Những gì tôi cố gắng là kết hợp trái tim và khối óc để nhằm phục vụ mục tiêu bảo tồn một Hà Nội xinh đẹp và cá tính.
Xin cảm ơn ông!