Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đòn bẩy từ tín dụng nông nghiệp

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận.

Thành tựu phát triển của lĩnh vực vẫn được xem là nhiều rủi ro này có một phần quan trọng đến từ hiệu quả của chính sách tín dụng ngân hàng.
Giải ngân cho vay vốn từ Quỹ Khuyến nông TP tại xã Liên Châu, huyện Thanh Oai.
Nhằm thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, Chính phủ đã ban hành những quy định khá cụ thể về thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ tài chính cho các tổ chức, cá nhân. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai những chương trình hỗ trợ đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đơn cử như cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP với mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 – 1,5% so với lãi suất thông thường; hay chính sách hỗ trợ đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg…

"Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng, liên vùng trong sản xuất – tiêu thụ nông sản; chú trọng phát triển các nông sản thế mạnh của từng địa phương. Đặc biệt là tập trung triển khai Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp vay vốn ngân hàng." - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ

Với nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng, tổng dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 5 năm qua đạt kết quả đáng khích lệ với dư nợ đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 21% tổng dư nợ toàn ngành kinh tế. Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 38.000 tỷ đồng. Đối với TP Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, NHNN chi nhánh Hà Nội đã cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 101.385 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Hà Nội cũng đã cho vay tại 18 huyện, thị xã đạt 5.193 tỷ đồng. Hiệu quả cho vay tín dụng ngân hàng phát triển nông nghiệp, nông thôn được thể hiện qua mức tăng trưởng ngành nông nghiệp cả nước bình quân đạt 2,44%/năm trong 5 năm gần nhất. Dù vậy, công tác này vẫn đối diện không ít thách thức.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Trần Văn Tần, rào cản đối với việc cho vay hiện nay đến từ quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, tự phát, thiếu liên kết chuỗi. 96% DN nông nghiệp có quy mô nhỏ. Chỉ có khoảng 5% DN nông nghiệp được chứng nhận VietGAP và tương đương… Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp theo Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ TN&MT tại nhiều địa phương còn chậm. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên vốn cho vay đối với các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kịp thời có văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định số 116/2018/NĐ-CP. Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành triển khai có hiệu quả các chính sách tín dụng linh hoạt, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay cho khách hàng…