Theo nội dung thỏa thuận mà tờ New York Times có được, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực như ngân hàng, viễn thông, vận tải, hay phát triển cơ sở hạ tầng tại Iran. Đổi lại, Bắc Kinh sẽ được đảm bảo về nguồn cung dầu mỏ từ Tehran với mức giá ưu đãi trong vòng 25 năm tới.
Tuy nhiên, một yếu tố khác quan trọng không kém là triển vọng hợp tác quân sự song phương, bước đi có thể tạo điều kiện cho phép Trung Quốc thiết lập sự hiện diện ở Trung Đông, khu vực vốn luôn được coi là ưu tiên chiến lược của Mỹ trong nhiều thập niên. Trong khuôn khổ hợp tác, hai bên được cho sẽ cùng tiến hành các cuộc tập trận chung, hợp tác nghiên cứu và phát triển vũ khí, cũng như chia sẻ thông tin tình báo, với mục tiêu nhằm đối phó “khủng bố, buôn lậu ma túy, buôn người và tội phạm xuyên biên giới”.
Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, thỏa thuận hợp tác giữa Trung Quốc và Iran lần đầu tiên được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất trong chuyến thăm Iran vào năm 2016 và được Văn phòng Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông qua từ tháng 6.
Về phía Iran, bản dự thảo vẫn còn cần sự chấp thuận từ Quốc hội để chính thức có hiệu lực. Nếu được triển khai, thỏa thuận Trung Quốc - Iran sẽ tiếp tục khiến quan hệ Mỹ - Trung xấu đi. Không những vậy, đây sẽ là một "đòn đau" nhắm vào chính sách cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump đối với Iran, điều được người đứng đầu Nhà Trắng hiện thực hóa bằng việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa sáu cường quốc với Iran vào năm 2015, và sau đó là áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên quốc gia Tây Á.
“Cả Iran và Trung Quốc đều coi thỏa thuận này không chỉ nhằm phục vụ lợi ích của các bên liên quan, mà còn trực diện thách thức các chiến lược của Mỹ”, Ali Gholizadeh, nhà nghiên cứu tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở Bắc Kinh nhận định.