Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dồn điền đổi thửa: Nơi quyết liệt, chỗ thờ ơ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thực hiện kế hoạch của TP về dồn điền đổi thửa (DĐĐT), xây dựng nông thôn mới, năm 2012, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã ráo riết vào cuộc và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những huyện, thị chưa đạt được kết quả như mong muốn. Mấu chốt ở đây, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái, chính là vấn đề cán bộ.

Ruộng to, cày máy, dân phấn khởi

Gia đình bà Cao Thị Thu, thôn Khôn Duy, xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ có 6 sào ruộng, trước đây bị chia thành 14 thửa trên các xứ đồng. Năm 2012, thực hiện chủ trương DĐĐT, gia đình bà Thu chỉ còn lại 2 thửa. Có ruộng lớn, ngay từ vụ xuân 2013, bà Thu cùng nhiều hộ gia đình khác đã thuê máy cày, máy cấy, không phải cấy tay như trước. Bà Thu cho biết: "Nhờ DĐĐT mà giải phóng được sức lao động, áp dụng được những tiến bộ KHKT vào sản xuất, người nông dân đỡ vất vả hơn nhiều". 

Dồn điền đổi thửa: Nơi quyết liệt, chỗ thờ ơ - Ảnh 1

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái (thứ hai từ trái sang) thăm cánh đồng sau dồn điền đổi thửa ở xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên.Ảnh: Nam Bắc
Xã Mỹ Lương có 700ha đất nông nghiệp, trước đây mỗi hộ có ít nhất 13 - 14 thửa ruộng, thậm chí có hộ hơn 20 thửa. Nhưng sau khi DĐĐT, mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa. Giống như Mỹ Lương, tại các xã của huyện Chương Mỹ như Hồng Phong, Hữu Văn, Phú Nam An, Tốt Động… công tác DĐĐT đã cơ bản hoàn thành. Đến nay, toàn huyện Chương Mỹ đã DĐĐT được 7.947ha, đạt 198,6% so với kế hoạch TP giao. Đây là một trong những huyện đi đầu trong công tác DĐĐT của TP. 

Cùng với Chương Mỹ, nhiều huyện khác như Mỹ Đức, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Mê Linh, Thường Tín cũng phát động phong trào DĐĐT và đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Đến nay, toàn TP đã thực hiện DĐĐT được 35.346ha/19.444ha, đạt 181% kế hoạch. Song, trái với thành tích của các huyện nói trên, tại một số huyện, thị khác, công tác DĐĐT thực sự chưa chuyển biến đáng kể. 

Vì sao ì ạch?

Tại Hội nghị giao ban quý I Chương trình 02 - CTr/TU của Thành ủy diễn ra ngày 26/3/2013, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, năm 2012, toàn huyện mới DĐĐT được 400/500ha so với kế hoạch TP giao. 100ha chưa thực hiện DĐĐT, theo ông Hải, nguyên nhân là do địa hình của huyện phức tạp, có 3 vùng rõ rệt (vùng núi, đồi gò và đồng bằng), do vậy khó DĐĐT. Tương tự, thị xã Sơn Tây năm 2012 đăng ký DĐĐT 150ha, nhưng mới thực hiện được 50ha. Nguyên nhân chưa thực hiện được, là do ruộng đất manh mún, ruộng bậc thang, kinh phí khó khăn… 

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình 02, những lý do mà các địa phương đưa ra chưa thực sự thỏa đáng. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái bức xúc nói: "Tại sao trong vòng 4 - 5 tháng mà Chương Mỹ làm được, Phú Xuyên làm được; Mê Linh, Mỹ Đức làm được, nhưng các nơi khác không làm được? Năm 2012, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 đã giao cho Tổ công tác gồm đại diện các sở, ngành xuống tận nơi để tháo gỡ khó khăn. Vậy còn gì là khó khăn nữa?".

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy: Vấn đề mấu chốt là cán bộ. "TP có quan tâm mấy, có quyết tâm mấy mà các đồng chí không vào cuộc thì cũng không làm được" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói. 

Do vậy, năm 2013, công việc trọng tâm trong công tác xây dựng NTM là quyết liệt DĐĐT. Các địa phương cần trao đổi, học tập tại các xã đã làm tốt để áp dụng vào địa phương mình. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền để người dân hiểu về mục tiêu và cơ chế chính sách của TP trong chủ trương DĐĐT. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các địa phương tiếp tục thành lập các tổ công tác DĐĐT, lựa chọn những người có uy tín, nhiệt tình tham gia. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở cơ sở. Đối với các nơi đã hoàn thành DĐĐT, cần tiếp tục làm tốt công tác thủy lợi, giao thông nội đồng, áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, trong 2 năm 2012 - 2013, toàn thành phố sẽ dồn điền đổi thửa 57.000ha đất nông nghiệp. Đến thời điểm này, toàn TP đã thực hiện được 35.346ha, số còn lại tập trung ở một số huyện như Ba Vì, Sơn Tây, Gia Lâm, Thanh Oai, Phúc Thọ…