Nóng bản quyền truyền hình
Cho đến trước khi Next Media trở thành đối tác của VPF trong việc được sở hữu bản quyền truyền hình các trận đấu tại V.League, người hâm mộ chẳng mấy quan tâm đến việc “đài” nào sẽ trực tiếp các trận tại giải đấu lớn nhất của Việt Nam.
Đơn giản, người hâm mộ cảm thấy “ngấy” và không quá bận tâm đến bóng đá nội. Ngay cả các sân bóng cũng liên tục rơi vào cảnh trống vắng trong các trận đấu. May mắn lắm, những sân có tính địa phương cao như Thanh Hoá, Vinh, Gia Lai còn cuốn hút khán giả đến sân, còn lại khi có trận đấu diễn ra, các khán đài trống vắng không phải chuyện lạ. Với sự nhạy bén thời cuộc, Next Media đã đứng ra “thầu” vụ bản quyền để đến trước mùa giải này, tranh cãi xảy ra. Phía VPF nói rằng do đối tác vi phạm một điều khoản, nên họ cắt hợp đồng. Bên cạnh đó, VPF cũng thẳng thắn rằng đơn vị này không cung cấp các hoá đơn, hợp đồng bán bản quyền, khai thác thương quyền từ V.League, nên mối quan hệ giữa 2 bên càng căng thẳng. Trong khi đó, Next Media đã khẳng định họ không vi phạm điều khoản hợp đồng và mong muốn sự hợp tác. Cao trào đến mức, nhiều đài truyền hình cũng tiết lộ sẽ không tường thuật trực tiếp các trận V.League khi các bên vẫn đang quá trình tranh chấp. Mãi đến sát ngày V.League 2018 khởi tranh, một cuộc gặp giữa lãnh đạo các bên được tiến hành và theo thống nhất, bản hợp đồng cũ sẽ được điều chỉnh để đảm bảo lợi ích cho VPF thì mọi chuyện mới lắng xuống. Và theo đó, các trận đấu ở V.League sẽ lại lên sóng vào dịp cuối tuần. Đằng sau tranh cãiKhá nhiều người ngạc nhiên khi không phải vấn đề quán triệt làm nghiêm công tác trọng tài, kỷ luật được quan tâm mà là câu chuyện bản quyền truyền hình. Thực tế, trong khoảng 1 năm trở lại đây, với sự phát triển của truyền thông, các trang mạng xã hội, cách đưa bóng đá đến người hâm mộ cũng đa dạng hơn. Bên cạnh việc xem trên truyền hình, khán giả có nhiều phương tiện tiếp cận các trận đấu qua youtube hay phổ biến nhất là facebook. Có nhiều “kênh” chiếu bóng đá, nên đi cùng với đó là các hình thức quảng cáo cuốn hút hơn và đương nhiên có quảng cáo là sinh ra tài chính, nên chính điều đó đã buộc đơn vị tổ chức giải phải lên tiếng. Hơn nữa, khi U23 Việt Nam thi đấu thành công tại vòng chung kết U23 châu Á 2018, thì hiệu ứng mà thầy trò HLV Park Hang Seo tạo ra rất lớn, nên tình yêu bóng đá của khán giả cũng trở lại, V.League cũng được “thơm lây”. Mùa giải này, sức nóng của U23 khi về đá cho các CLB sẽ lớn, nên đó cũng là đòn bẩy đưa người hâm mộ đến sân nhiều hơn. V.League giờ đây không còn là mảnh đất cằn cỗi nữa, mà có thể “đẻ” ra tiền nên dĩ nhiên sẽ có nhiều cách khai thác để tạo nên lợi nhuận. Và bản quyền truyền hình cũng không phải là ngoại lệ. Rất may đến phút chót, những tranh cãi đã ở lại phía sau và biết đâu từ mùa này, thương quyền lên cao, V.League sẽ đi đúng lộ trình chuyên nghiệp như vốn phải thế!