Để thúc đẩy tăng trưởng buộc phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, yêu cầu cấp thiết là thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế với trọng tâm là phân bổ lại nguồn lực và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả.
Ảnh minh họa |
Muốn lớn mạnh về kinh tế phải cạnh tranh sòng phẳng, trước hết là cạnh tranh tiếp cận nguồn lực, phân bổ có hiệu quả. Việt Nam đã huy động rất tốt các nguồn lực trong xã hội. Đã huy động được đầu tư xã hội 34 - 35% GDP. Về ngân sách cũng huy động được 22 - 23% GDP và đã chi đến 27% GDP. Chúng ta cũng thấy tín dụng mà hệ thống ngân hàng huy động cho nền kinh tế đã hơn 100% GDP, huy động đầu tư nước ngoài chiếm tới 27 - 28% GDP. Đây đều là những con số hết sức lớn so với chuẩn mực thế giới. Vậy vì sao tăng trưởng vẫn thấp. Vấn đề hiện nay không chỉ nằm ở huy động mà ở phân bổ nguồn lực còn nhiều sai lệch và sử dụng nguồn lực hiệu quả chưa cao, thậm chí còn nhiều lãng phí. Vậy nguồn lực ở đây là gì?
Đơn cử, khu vực Nhà nước đang sử dụng nguồn lực lớn lại có hiệu quả thấp nhất, đặt ra vấn đề cải cách cổ phần hóa (CPH) DN Nhà nước. CPH chỉ là bước đi đầu tiên, đảm bảo trách nhiệm giải trình tính minh bạch trong CPH, đảm bảo tiếp cận công bằng nguồn vốn, đất đai với các thành phần kinh tế khác; Cần củng cố niềm tin của khối tư nhân để thị trường vận hành đẩy đủ và cạnh tranh công bằng; Sử dụng nguồn lao động hợp lý để khai thác tiềm năng các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Thời gian qua nói nhiều đến bội chi, nợ công nhưng vấn đề hiệu quả hiệu suất đầu tư lại ít được đề cập. Cơ chế phân bổ nguồn lực vẫn chủ yếu là xin cho, nghĩa là thị trường đóng vai trò thứ yếu. Không đầu tư dàn trải mà tập trung tăng chất lượng hạ tầng tập trung vào những công trình quan trọng, cấp thiết, phải dồn nguồn lực đến đúng địa chỉ thật cần thiết cho xã hội là việc cấp thiết hiện nay. Muốn thay đổi trước hết phải hoàn thiện thể chế. Và điều này nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ, chỉ cần chính sách đúng có thể đạt được. Chính phủ đang hướng về một Chính phủ hành động, kiến tạo song ý nghĩa đầy đủ không chỉ kiến tạo thị trường (tạo điều kiện về hành lang pháp lý cho các thành phần kinh tế) mà cần phải điều tiết thị trường giúp cho thị trường hoạt động hiệu quả. Và một điểm nữa là thân thiện thị trường có nghĩa dựa vào thị trường, theo tín hiệu thị trường để phân bổ hợp lý nguồn lực. Biết huy động tối đa các nguồn lực, phân bổ hiệu quả sẽ là động lực không nhỏ thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế