Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng bằng sông Cửu Long có thể ngập đến hơn 1m

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kịch bản quốc gia về biến đổi khí hậu của Bộ TN&MT, tới năm 2100, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể ngập sâu tới trên 1m.

Cụ thể, đối với kịch bản trung bình thì đến năm 2100, khu vực ĐBSCL nhiệt độ trung bình có thể tăng 1,7 - 1,9 độ C, mưa có thể tăng 5 - 15%, và nước biển dâng từ 32 - 78cm. Trong khi đó, với kịch bản biến đổi khí hậu cao thì đến cuối thế kỷ, khu vực ĐBSCL nhiệt độ trung bình có thể tăng 3,0 - 3,5 độ C, mưa có thể tăng trên 20% và nước biển dâng từ 48 - 106cm.
Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng bị ngập sâu trước biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu được dự báo sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất khu vực ĐBSCL. Cụ thể, đối với trồng trọt: Dự báo nhiệt độ tăng, hạn hán (và thiếu nước tưới) kết hợp với xâm nhập mặn gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất. Lũ lớn vào đồng bằng xảy ra ít hơn (8 - 10%), trong khi lũ nhỏ và cực nhỏ sẽ xảy ra nhiều hơn (90 - 92%). Về dòng chảy mùa khô, do việc điều tiết và vận hành thủy điện làm dòng chảy thay đổi trái quy luật, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc chủ động sản xuất trên đồng bằng. Số năm dòng chảy xuống thấp ngay từ đầu mùa khô có thể tăng gấp 4 lần so với hiện nay và số năm dòng chảy xuống thấp ở đầu mùa mưa tăng gấp 2 lần so với hiện nay sẽ làm mặn đến sớm và rút muộn và mặn bất thường, ảnh hưởng đến việc sản xuất của cả 2 vụ lúa chính Đông Xuân và Hè Thu. Về tải lượng phù sa, ước tính đến giai đoạn 2050-2060, khi các hồ chứa được xây dựng xong, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn dưới 10% so với khi chưa có các công trình này. Điều này làm gia tăng xói lở trên đồng bằng và các vùng cửa sông ven biển cũng như chất lượng đất canh tác. Hậu quả là ĐBSCL có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương với 40,52% tổng sản lượng lúa của cả vùng. Theo kịch bản trung bình về BĐKH, năng suất lúa xuân giảm 405,8kg/ha vào năm 2030 và 716,6kg/ha vào năm 2050.

Đối với thủy sản, hạn và diễn biến mưa bất thường, mưa cường độ cao khiến cho việc duy trì nồng độ mặn hợp lý của các ao nuôi trồng thủy sản nước lợ trở lên khó khăn hơn, có thể gây sốc tôm và cá. Những thay đổi về nhiệt độ sẽ làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh và ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Xu thế lũ vừa và nhỏ sẽ gia tăng và chiếm tuyệt đại đa số, cùng với các phát triển liên quan khác trên lưu vực và nội tại trên đồng bằng, sẽ làm giảm chất lượng nước trên đồng bằng và các vùng nuôi thủy sản.

Trong khi đó, hạ tầng thủy lợi và nông thôn được dự báo cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Sự tàn phá của bão và áp thấp nhiệt đới còn ảnh hưởng đến hạ tầng nông thôn đe dọa đời sống, sức khỏe cộng đồng. Hệ thống cấp nước sinh hoạt vệ sinh môi trường nông thôn có nguy cơ bị ảnh hưởng trầm trọng, công trình cấp nước bị ngập, bị phá vỡ do thiên tai bão lụt. Hệ thống giao thông nông thôn bị ngập lụt, xói lở mặt và nền đường. Sự cạn kiệt dòng chảy sông ngòi về mùa khô dẫn đến thiếu hụt nguồn nước ngọt, giao thông đường thuỷ bị ảnh hưởng. Mực nước biển dâng, xói lở bờ sông gây mất đất tạo nên những làn sóng di cư bắt buộc gây mất ổn định và kém bền vững cho các chương trình phát triển, cải thiện sinh kế và sức khỏe cộng đồng. Nếu nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 38,9% diện tích ĐBSCL, khoảng 10 - 12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.