Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng hành cùng nông dân hội nhập thế giới

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/10, trong khuôn khổ chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 4 với chủ đề “Từ CPTPP đến EVFTA - Cùng nông dân đi chợ thế giới”.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định nêu rõ, thời gian qua, nông nghiệp và nông thôn nước ta đã đạt được được những thành tựu vẻ vang, có đóng góp rất lớn trong sự nghiệp đổi mới đất nước. 
Quang cảnh diễn đàn
Tuy nhiên, trước tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, trước tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu cùng những khó khăn nội tại trong nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khắc, thách thức. Đó là sản xuất nhỏ - thị trường lớn; đầu tư cho nông nghiệp lớn mà rủi ro lại cao; thị trường, thương hiệu nông sản và ô nhiễm môi trường; đất đai manh mún, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch, liên kết vùng và doanh nghiệp trong nông thôn thấp…
Cùng với các FTA khác, CPTPP và EVFTA đang mở ra những cơ hội to lớn cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó có sản xuất nông nghiệp, thương mại nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang nổi lên và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bất định. Các chuyên gia dự tính, việc ký kết 2 hiệp định này sẽ mở ra cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có giá trị 43 tỷ USD của Việt Nam. Các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận tới 37 thị trường lớn với dân số hơn 1 tỷ người.
Song, bên cạnh cơ hội lớn, các FTA này cũng mang lại nhưng thách thức không nhỏ đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và thương mại nông nghiệp, trong đó lo ngại nhất là nông sản Việt Nam có tiếp tục mở rộng cả về quy mô và số lượng để phục vụ thị trường xuất khẩu và giữ vững, mở rộng thị trường trong nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, CPTPP và EVFTA chắc chắn mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng, kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, DN và tạo ra sức bật lớn cho ngành nông nghiệp của cả Việt Nam và các đối tác.
Với CPTPP, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm. Chẳng hạn như một số loại thủy sản (cá, tôm), các loại rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, các loại hạt khô... Đây là cơ hội tiềm năng để các DN Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu cũng như góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông lâm thủy sản có thế mạnh của Việt Nam.
Do đó, việc cung cấp một cách đúng đắn, toàn diện các thông tin liên quan của 2 Hiệp định CPTPP và EVFTA tới cho cộng đồng DN và nông dân đang sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp là rất cần thiết nhằm chuẩn bị nền tảng kiến thức cơ bản, toàn diện cho các DN và các bên quan tâm khác trong quá trình tìm hiểu để xây dựng, mở rộng thị trường trong chiến lược sản xuất kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu của mình.
Diễn đàn lần này có sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành, lãnh đạo Hội Nông dân các cấp cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện các tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự có mặt của 63 nông dân xuất sắc năm 2019.
Tại diễn đàn, các đại biểu cùng nhau thảo luận qua 2 phiên đối thoại chính thức nhằm tìm hiểu rõ những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các tác động tích cực và tiêu cực tới hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản của 11 triệu hộ nông dân trong cả nước. Đồng thời, đề xuất các kiến nghị, giải pháp để tháo gỡ các rào cản, thách thức; tận dụng tối đa cơ hội do CPTPP và EVFTA mang lại.