Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng loạt giảm trần lãi suất cho vay

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ 26/3, một loạt các mức lãi suất chủ chốt được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm.

Hạ đồng loạt các lãi suất chủ chốt
Theo Quyết định số 643/QĐ-NHNN ngày 25/3, NHNN điều chỉnh giảm lãi suất tái cấp vốn từ 9%/năm xuống còn 8%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 7%/năm xuống 6%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 10%/năm xuống 9%/năm.

Trong ngày 25/3, NHNN đã ban hành Thông tư số 08/2013/TT-NHNN quy định lãi suất tối đa với các khoản tiền kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng của tiền gửi VND tại các tổ chức tín dụng giảm từ 8%/năm xuống 7,5%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên do tổ chức tín dụng (TCTD) ấn định trên cơ sở cung cầu vốn của thị trường. Lãi vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với các lĩnh vực ưu tiên còn 11%/năm, thay vì 12%/năm trước đó.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, sức mua của thị trường vẫn còn thấp, khả năng hấp thụ vốn tín dụng của DN còn hạn chế, NHNN cho biết, động thái này là để hỗ trợ thị trường.

Đồng loạt giảm trần lãi suất cho vay - Ảnh 1

Lãi suất được điều chỉnh xuống mức hợp lý sẽ kích cầu về đầu tư cũng như tiêu dùng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại một Chi nhánh của Maritimebank. Ảnh: Linh Anh

Theo TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, hạ lãi suất mới có thể giải quyết được các điểm nghẽn khác của nền kinh tế như: Hàng tồn kho, nợ xấu, thị trường bất động sản... Bởi khi lãi suất được điều chỉnh giảm dần xuống mức hợp lý hơn, sẽ kích cầu về đầu tư cũng như kích cầu tiêu dùng...

Hỗ trợ giảm lãi suất cho vay

Cuối tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Ông Bình cũng cho rằng, mong muốn giảm lãi suất tiền vay trong 2013 trông chờ nhiều vào các TCTD.

Thừa vốn nhưng không cho vay ra được đang là thực tế tại nhiều ngân hàng thương mại hiện nay. Bởi thế, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, không chờ NHNN chỉ đạo, họ cũng phải tính mọi cách hạ lãi suất cho vay vì không cho vay ra được, ngân hàng sẽ lỗ.

Có thể thấy, từ đầu năm 2013 đến nay, các gói tín dụng lãi suất thấp, chỉ khoảng 10 - 12%/năm đã liên tục được các ngân hàng tung ra. Tại Ngân hàng ACB, trong "10 ngày vàng" từ ngày 20 - 30/3, các khách hàng vay hiện hữu tại ACB khi vay thêm số tiền tối thiểu 300 triệu đồng sẽ được hưởng mức lãi suất rất thấp, 10,99%/năm đối với các khoản vay cho mục đích sản xuất kinh doanh. Các khoản vay tiêu dùng, xây dựng, sửa chữa nhà cũng được hưởng mức lãi suất 11,99%/năm. Khi khách hàng giải ngân khoản vay mới sẽ đồng thời được giảm lãi suất của các khoản vay hiện hữu xuống còn 14,99%/năm.

OceanBank cũng vừa dành 800 tỷ đồng triển khai cho vay ngắn hạn hộ kinh doanh lãi suất ưu đãi chỉ từ 13,5%/năm.

Cố gắng hạ lãi suất, tuy nhiên, một lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng, lãi suất có hạ nữa ngân hàng vẫn khó cho vay. Trong bối cảnh sức cầu vẫn còn yếu, DN không mặn mà vay vốn mà chỉ tập trung thu hồi nợ cũ, duy trì hoạt động thay vì không mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Đồng tình với thực tế này, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng: "Vấn đề của các ngân hàng hiện nay là cho ai vay? Đã có tình trạng ngân hàng "đốt đuốc" tìm DN làm ăn tốt để cho vay nhưng vẫn khó. Về phía DN, họ không vay là do vướng quy định nợ xấu, nợ khó đòi. Các cơ quan Nhà nước, ngân hàng phải ngồi lại cùng tìm giải pháp đưa tín dụng đến được với DN đang cần. Vì đơn giản, chỉ khi nào DN hoạt động ổn định thì nền kinh tế mới phát triển".

Bởi vậy, bên cạnh việc hạ lãi suất, các chính sách khác như chính sách thuế, chính sách giải quyết hàng tồn kho... cần hỗ trợ DN nhiều hơn nữa để vực dậy nhanh nền kinh tế.