Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Đồng minh tay trong" - chiêu mới của Trung Quốc trên bàn đàm phán với Mỹ

Tú Anh (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những nhà đàm phán, giới chức "cấp tiến" tại Trung Quốc gieo vào lòng Mỹ hy vọng về một Bắc Kinh thực sự tiến đến cải cách kinh tế.

Đối mặt với câu hỏi liệu Trung Quốc có thực sự thay đổi cách thức làm kinh tế, giới chức Mỹ có một lập luận nhàm tai với những người đã từng đàm phán với Bắc Kinh: “Chúng tôi có những đồng minh tay trong”.

Có thật là "đồng minh tay trong"?

“Phải tin rằng có những người ở Trung Quốc cổ vũ cải cách”, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer chia sẻ với NPR vào ngày 25/3. “Và đồng thời phải tin rằng những người đó ở cấp lãnh đạo cao”, ông nói.

 Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Vấn đề là, các quan chức và doanh nghiệp Mỹ đã nghe những lời hứa tương tự của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, chỉ để thấy mối quan hệ thương mại ngày càng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.

Trong khi Trung Quốc từ lâu đã mở cửa thị trường cho hàng hóa nước ngoài và đầu tư dưới danh nghĩa cải cách, thì kiên cố hóa sự kiểm soát nhà nước và quyền lực của địa phương đối với các ngành công nghiệp trong nước vẫn là chủ đề chính.

Điều đó đặc biệt đúng kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012. Nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông rất tập trung củng cố quyền kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước và các lĩnh vực công nghệ chiến lược, đồng thời vẫn thúc đẩy các nhà cải cách kinh tế, như nhà đàm phán thương mại hàng đầu, Phó Thủ tướng Lưu Hạc.

Giới quan sát cho rằng động thái này chỉ đem lại lợi ích cho Bắc Kinh trên bàn đàm phán, thay vì thực sự cho thấy nỗ lực cải cách của Trung Quốc.

Canh bạc táo bạo

“Đó là một canh bạc táo bạo đặt niềm tin vào các nhà cải cách dưới thời chính quyền Tập Cận Bình, nơi những con diều hâu đã chiếm ưu thế”, theo chuyên gia Michael Pillsbury, thuộc Viện Hudson, (Washington). “Đây có thể là cơ hội tốt nhất mà chúng ta có ngoài một cuộc chiến tranh lạnh hoặc đầu hàng mới”, ông Pillsbury nói.

 Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.

Bằng chứng có thể xuất hiện sớm, trong bối cảnh ông Lưu Hạc sắp có cuộc gặp các quan chức Mỹ ở Washington trong tuần này với mục đích hoàn tất thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài suốt 1 năm qua.

Các cuộc đàm phán đã một lần nữa thúc đẩy Washington kỳ vọng vào các cải cách của Bắc Kinh. Đó là thay đổi quy mô sân chơi cho các công ty tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài, thay vì ưu tiên củng cố ngành công nghiệp trong nước như Trung Quốc triển khai trước đó.

Ông Lighthizer đã không nêu tên các nhà cải cách Trung Quốc mà Mỹ kỳ vọng sẽ giúp Bắc Kinh, chỉ khẳng định “họ biết bảo vệ sở hữu trí tuệ và ngừng chuyển giao công nghệ bắt buộc sẽ giúp ích cho Bắc Kinh”.  Bên cạnh Lưu Hạc, các nhân vật được coi là nhà cải cách kinh tế bao gồm Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương, và Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, người bảo vệ toàn cầu hóa và đa phương hóa trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã xây dựng mối quan hệ với những nhà cải cách này, tuy nhiên nhận lại mới chỉ là nỗi thất vọng. Điều đó đã khiến một số người Mỹ đưa ra giả thuyết rằng các nhà đàm phán thương mại ở Bắc Kinh cố tình hiện lên như “những nhà đàm phán có cái nhìn cấp tiến” để khiến Mỹ xiêu lòng trên bàn đàm phán.

“Trung Quốc đã thành công trong việc thuyết phục các nhà đàm phán Mỹ giảm áp lực và lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ tước quyền của các nhà cải cách, và tiếp đạn cho phe diều hâu”, theo James McGregor, chủ tịch Trung Quốc của APCO Worldwide. “Đây là một trong những công cụ đàm phán hiệu quả nhất của Trung Quốc. Họ biết rằng phương Tây từ lâu luôn muốn Trung Quốc cải tổ và trở nên giống họ hơn”.