Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng Nai: Đưa du lịch sinh thái vào hoạt động đúng pháp luật

Thanh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày này, lực lượng chức năng xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đang quyết liệt cưỡng chế công trình xây dựng trái phép tại các điểm du lịch tự phát ven lòng hồ Trị An...

Một công trình xây dựng chòi nghỉ dưỡng bị xử lý giật bạt lều xuống, không còn phục vụ nghỉ ngơi cho du khách đến tham quan.
Một công trình xây dựng chòi nghỉ dưỡng bị xử lý giật bạt lều xuống, không còn phục vụ nghỉ ngơi cho du khách đến tham quan.

Nhu cầu du lịch sinh thái tăng cao

Theo số liệu, tại xã Mã Đà, khu vực đất trồng rừng tiếp giáp với lòng hồ Trị An hiện có trên 30 điểm kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái tham quan, nghỉ dưỡng ven lòng hồ. Điều đáng nói, trên 90% các điểm kinh doanh du lịch tại khu vực này hoạt động tự phát, không được sự cấp phép của các cơ quan chức năng.

Những căn lều bạt dựng lên tại một điểm du lịch sinh thái được cho là vi phạm vào hành lang bảo vệ mức nước lòng hồ Trị An, thuộc xã Mã Đà.
Những căn lều bạt dựng lên tại một điểm du lịch sinh thái được cho là vi phạm vào hành lang bảo vệ mức nước lòng hồ Trị An, thuộc xã Mã Đà.

Trung bình mỗi điểm du lịch sinh thái thu hút từ 30 đến 200 khách mỗi tuần. Phần lớn du khách đến từ vùng lân cận như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Ông Trần Đức Sơn - Chủ tịch UBND xã Mã Đà cho biết: “Nhu cầu người dân đến với du lịch sinh thái vườn, ven lòng hồ Trị An ngày càng nhiều. Chúng tôi không thể cản được”.

Trong những ngày qua, ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, hàng loạt nhà chòi, lều trại của các điểm du lịch tại ấp 3 xã Mã Đà đã được lực lượng chức năng tháo dỡ hoặc chủ đầu tư tự tháo dỡ. Tại các điểm du lịch MiMi Camping, Gạo farm, Suri Camping…, các lều trại đã dựng lên trong phạm vi quy định cho phép của mực nước lòng hồ Trị An; đồng thời các căn nhà chòi, nhà nghỉ, toa lét, bếp ăn… xây dựng lên trên đất rừng trồng đều bị tháo dỡ.

Một chòi nghỉ dưỡng bị xử lý, không còn phục vụ nghỉ ngơi cho du khách đến tham quan.
Một chòi nghỉ dưỡng bị xử lý, không còn phục vụ nghỉ ngơi cho du khách đến tham quan.

Ông Nguyễn Viết Thăng - Chủ cơ sở du lịch Suri Camping cho biết, 1ha xoài trước đây ông thu về 30 triệu đồng/năm, bình quân bán từ 5 đến 7 ngàn đồng/kg. Từ hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập tăng lên gấp 7 đến 10 lần so với thu nhập đơn thuần từ vườn xoài trước đó. Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, ông Thăng trình bày: “Hiện tại gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, nay chúng tôi xin được chính quyền các cấp chỉ đạo, tạo điều kiện hướng dẫn cho chúng tôi tiếp tục phát triển mô hình du lịch này”.

Còn tại điểm du lịch vườn xoài ven hồ Trị An “Angel Village” của ông Nguyễn Văn Tiến, ngoài nguồn lợi kinh tế từ hoạt động du lịch, ông đã tạo ra công việc làm cho gần 20 người dân địa phương. Ông Tiến lo lắng: “Mỗi tháng tôi chi trả khoảng 150 triệu tiền công lao động cho các người dân địa phương. Nếu phá dỡ cơ sở du lịch này, gia đình chúng tôi sẽ thật sự khó khăn”.

Ông Lê Viết Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho biết, trước mắt, đơn vị chủ rừng là Khu Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai phải có đề án phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng. Làm thế nào đó phải đạt được mục tiêu. Theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn này là phát triển du lịch sinh thái thành mũi nhọn kinh tế của tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng - chủ đầu tư khu du lịch MiMi Camping lo lắng về căn nhà mây tre lá làm nơi trú ngụ của gia đình bà trong thời gian qua đã được thông báo sẽ bị tháo dỡ trong nay mai.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng - chủ đầu tư khu du lịch MiMi Camping lo lắng về căn nhà mây tre lá làm nơi trú ngụ của gia đình bà trong thời gian qua đã được thông báo sẽ bị tháo dỡ trong nay mai.

Không để phát sinh hoạt động du lịch trái phép

Theo ông Lê Viết Dũng, đơn vị chủ rừng (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) phải có một đề án phát triển du lịch dưới tán rừng, khái thác tiềm năng các loại rừng. Trong đó, có phát triển loại hình du lịch sinh thái. Tùy theo từng khu vực mà đưa vào đề án hoạt động du lịch, hướng dẫn cho người dân làm đúng theo quy định pháp luật.

Ông Trần Đăng Ninh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đồng Nai cho biết, Hiệp hội vừa gửi văn bản kiến nghị lên UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh hướng dẫn tổ chức hoạt động du lịch sinh thái tại khu vực hồ Trị An. Theo đó, quan điểm của Hiệp hội Du lịch tỉnh là “thống nhất với giải pháp của địa phương vận động tháo gỡ các công trình xây dựng phục vụ khách du lịch tự phát khi chưa được chính quyền cấp phép”.

Vì vậy, Hiệp hội Du lịch kiến nghị: “UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có ý kiến với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm có quy định và cơ chế tạo điều kiện cho việc tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của các hộ dân ở nông thôn. Trong đó, có chính sách cho phép lắp dựng các công trình như nhà chòi, nhà vệ sinh… phục vụ du khách trên diện tích đất nông nghiệp”.

Mô hình du lịch sinh thái, du khách thích thú tham quan rừng xoài bằng xe máy cày. Chủ vườn lại bán được xoài với giá cao.
Mô hình du lịch sinh thái, du khách thích thú tham quan rừng xoài bằng xe máy cày. Chủ vườn lại bán được xoài với giá cao.

Về giải pháp trước mắt, Hiệp hội du lịch đề nghị UBND tỉnh xem xét có văn bản hướng dẫn UBND huyện Vĩnh Cửu và UBND xã Mã Đà vận động các hộ dân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ du lịch thành lập các tổ dịch vụ du lịch cộng đồng. Trong đó, quy định cam kết cụ thể phù hợp với tình hình địa phương. Không được xây dựng khi chưa được cấp phép, cần tạm thời cho phép một khu vực được phép tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch.

Làm việc với các sở ngành về tình hình phát triển du lịch sinh thái tỉnh Đồng Nai, chiều ngày 11/4/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng đề nghị: Các địa phương rà lại những quy định của pháp luật, cùng các ngành thống nhất các phương án, vừa tạo điều kiện hoạt động du lịch vừa bảo đảm đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu địa phương tập trung kiểm soát tình trạng trên, không để phát sinh, đặc biệt là khu vực lòng hồ phải được bảo đảm, cần kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.