Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng Nai: Phục hồi kinh tế xã hội trong “tình hình mới” như thế nào?

TRƯƠNG HIỆU
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là địa phương bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch Covid-19, Đồng Nai đang từng bước thực hiện kế hoạch phục hồi các hoạt động kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội, an ninh quốc phòng song song với thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị tại địa phương...

Kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề

Cuối tháng 4/2021 đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, lần lượt nhiều địa phương có số bệnh nhân mắc Covid-19 tăng chóng mặt như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương...
Tại tỉnh Đồng Nai, tính từ ngày 1/6/2021 xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong đợt dịch thứ 4, đến nay (22/9/2021) toàn tỉnh đá có trên 42.000 ca nhiễm Covid-19, số ca tử vong trên 390 người.
Từng bước phục hồi kinh tế, huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) một số điểm thuộc vùng xanh thực hiện Chỉ thị số 15, người dân đi lại mua bán hàng hóa nhu yếu phẩm.
Số ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày bình quân gần 1.000 người, con số trước đó không ai tưởng đến. Hơn 25.000 người dân đã vào khu cách ly tập trung, hơn 65.000 người phải cách ly tại nhà. Dịch bệnh tràn vào khu công nghiệp, với hơn 1.700 công nhân tại các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” bị nhiễm Covid-19. Gần 1.600 khu nhà trọ có ca dương tính Covid-19.

Bên cạnh đó, các khu công nghiệp, khu kinh tế chính yếu của Đồng nai bị đe dọa, khoảng 320.000 công nhân lao động phải nghỉ việc, hàng trăm ngàn lao động tự do ngừng việc. Hàng trăm ngàn hộ dân, công nhân lao động nhập cư đang sống trong vùng phong tỏa, cách ly rơi vào tình cảnh khó khăn.
Ngày 20/9, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh Đồng Nai cố gắng kiểm soát dịch bệnh, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn. Các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cần tuân thủ các quy định chung, đặc biệt trong vấn đề xét nghiệm tìm F0, phân loại, điều trị chăm sóc bệnh nhân. Đồng thời, phát huy sáng tạo trong thực hiện xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và tiết kiệm.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, đến nay địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 16 tăng cường hơn 70 ngày, nếu tiếp tục kéo dài người dân, doanh nghiệp và chính quyền sẽ hết sức chịu đựng nổi, vì cạn kiệt sức lực.

Triển khai kế hoạch phục hồi các hoạt động sản xuất

Trước bối cảnh đó, từ ngày 20/9, tỉnh Đồng Nai thực hiện kế hoạch từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo công tác phòng chống Covid-19 trong tình hình mới. Quá trình thực hiện vừa đánh giá, vừa rút kinh nghiệm, đề ra các nhiệm vụ tiếp theo trên cơ sở kết quả thực hiện các giải pháp phòng chống dịch của ngành y tế, tiến tới khôi phục các hoạt động trong môi trường sống chung với Covid-19.
Công nhân các công ty thuộc khu công nghiệp Biên Hòa thực hiện ''3 tại chỗ'' được hoán đổi để đảm bảo hoạt động sản xuất
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị tại huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai). Đây là địa phương có số lượng ca nhiễm Covid-19 nặng nề nhất trong các huyện thuộc tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Quang Phương - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Huyện đã chỉ đạo Phòng kinh tế - hạ tầng chủ trì phối hợp với các ngành liên quan, gồm UBND các xã, thị trấn Vĩnh An triển khai hướng dẫn quy trình tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh chi tiết, phù hợp với từng giai đoạn trên kết quả kiểm soát dịch bệnh theo hướng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp”. Ông Phương cũng đồng thời cho biết, huyện đã và đang thực hiện nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong các ngành nghề quan trọng của chuỗi sản xuất kinh doanh. Đồng thời tháo gỡ kịp thời các khó khăn phát sinh, khắc phục đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Tại thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), lãnh đạo UBND thị trấn này cho biết, Vĩnh An hiện đang thực hiện kiểm soát hiệu quả và chuyển hóa cùng vàng, vùng cam, vùng đỏ tại địa phương. Thị trấn đã chủ động lập danh sách rà soát từng hộ gia đình, cá nhân sống và làm việc trên địa bàn thị trấn, kể cả những người dân đang tạm trú, ở trọ, sống lang thang để xây dựng phương án giãn cách, giảm mật độ người dân.
Đồng thời thị trấn Vĩnh An tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc cho người lao động đi, về hàng ngày. Hoặc đón người lao động trở về địa phương sau khi kết thúc thực hiện các phương án “3 tại chỗ”. Đưa người lao động từ địa phương đến doanh nghiệp tham gia hoán đổi phương án “3 tại chỗ”. Hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện các phương án phòng chống dịch tại các doanh nghiệp.
Tại huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) bước vào trạng thái bình thường mới, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Viên Hồng Tiến đánh giá cao và biểu dương các đơn vị làm tốt công tác chống dịch và chuẩn bị cho việc thực hiện kế hoạch đưa huyện Xuân Lộc vào trạng thái bình thường mới.
“Các cơ quan, đơn vị và 15/15 xã, thị trấn tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch của các xã, thị trấn về từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện trong tình hình mới” - ông Viên Hồng Tiến nhấn mạnh.
Song song đó, UBND huyện Xuân Lộc giải quyết đề nghị hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn theo hướng dẫn của UBND tỉnh trên tinh thần đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch và tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổ công tác của UBND huyện tổ chức kiểm tra, thẩm định các điều kiện và tham mưu giải quyết đề nghị của doanh nghiệp theo thẩm quyền.
Với quyết tâm cao nhất, huyện Xuân Lộc tập trung chỉ đạo quyết liệt, tích cực thực hiện các giải pháp hiệu quả, bảo vệ những kết quả đã đạt được, quyết tâm bảo vệ vùng xanh, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế- xã hội, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covd-19 trong tình hình mới.
Huyện Xuân Lộc linh động giải quyết đối với trường hợp người dân di chuyển từ "xã xanh" này đến "xã xanh" khác trong huyện, nhất là đối với các xã không có chợ truyền thống. Tiếp tục khóa chặt, không để các chợ tạm hoạt động. Quản lý, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ "vùng đỏ"; quản lý lưu thông tại các chốt, điểm chặn.

Nơi bùng phát dịch đã áp dụng “bình thường mới”…
Tại huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai, hiện có 6 xã vùng xanh (gồm: Quang Trung, Hưng Lộc, Bàu Hàm 2, Xã Lộ 25, Gia Tân 2, Gia Tân 1) thực hiện theo Chỉ thị 15 của Chính phủ. Riêng xã Gia Tân 1 hiện đang áp dụng hình thức “bình thường mới”.
Ông Nguyễn Phương Hưng - Chủ tịch UBND xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) cho biết, về xây dựng nông thôn mới, xã Gia Tân 1 tập trung rà soát đánh giá hiện trạng, huy động và phân bổ nguồn vốn đầu tư (bao gồm nguồn vốn từ ngân sách và huy động từ nhân dân). Tăng cường công tác điều hành, phân công, phân nhiệm và gắn trách nhiệm của từng ngành, từng cán bộ, công chức.
Xã Gia Tân 1 cũng thực hiện kiểm tra, kiểm soát đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid -19 tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, chế biến. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng chống Covid-19. Khuyến khích người dân đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, phát triển. Chú trọng đầu tư phản triển sản xuất chế biến nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn với phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn xã.
Xã Gia Tân 1 tập trung hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, trong đó chú trọng công nghệ giống cây trồng và vật nuôi đạt hiệu quả cao. Hỗ trợ nhân dân đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản nhằm tăng giá trị gia tăng trên sản phẩm. Xây dựng chuỗi sản xuất cung ứng tiêu thụ sản phẩm nhằm gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh: Việc tiếp tục giãn cách có thể sẽ gây nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nên phải nghiên cứu phương án mở cửa dần. Đồng Nai đã cho mở lại 103 xã "vùng xanh", chấp nhận F0 trong "vùng xanh" và lên phương án chống dịch theo cách một số nước đang áp dụng. Tỉnh tạo điều kiện cho chủ doanh nghiệp và người dân chủ động hơn trước với việc tự xét nghiệm và điều trị.