Để đạt được những kết quả đó, ngoài những yếu tố thuận lợi như là xã ven đô, kinh tế phát triển, có bề dầy lịch sử cách mạng, còn phải kể đến những cố gắng không nhỏ của chính quyền và người dân nơi đây.
Thanh niên Từ Liêm tham gia chung sức xây dựng nông thôn mới.
Cùng với xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM, chính quyền xã cũng thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", tạo sự đồng thuận cao từ cán bộ, đảng viên cho đến nhân dân trong xã. Ngoài kinh phí hỗ trợ từ ngân sách, xã đã huy động được sức mạnh "xã hội hóa" từ sự tham gia đóng góp nhân lực, vật lực của người dân trong công tác vệ sinh môi trường, văn hoá, thể thao, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn… Đến nay, nhân dân xã Đông Ngạc đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để cải tạo cổng làng, cải tạo bãi rác thành sân chơi, làm đường thoát nước, khơi thông cống rãnh, xây dựng và sửa chữa nhà văn hóa thôn, mua bóng đèn chiếu sáng ở các tuyến đường và khu công cộng, xây dựng Quỹ khuyến học… Đến nay, Đông Ngạc đã có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng cao. Đó chính là tiền đề để tin tưởng Đông Ngạc sẽ sớm trở thành một trong những địa phương đầu tiên của huyện và thành phố đạt xã NTM giai đoạn 2010 - 2012.
Từ kinh nghiệm thực tế ở địa phương, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc cho rằng: "Để thực hiện thành công chủ trương xây dựng NTM một cách toàn diện cần phải phân tách từng tiêu chí theo 3 nhóm: Xã ven đô, xã đồng bằng và xã miền núi. Mỗi nhóm xã này đều có đặc trưng riêng nên cần đặt ra mức độ tiêu chí khác nhau thì mới có thể đạt được kết quả như mong muốn. Mặt khác, với các xã còn khó khăn thì tùy theo tình hình địa phương mà mỗi giai đoạn chỉ nên chọn 1 - 2 tiêu chí để hoàn thành, nếu ôm đồm thực hiện tất cả 19 tiêu chí cùng lúc thì dễ mắc bệnh hình thức và có thể sẽ chẳng đạt được tiêu chí nào".