Đó là các chương trình: Dòng sông sen; Hội thi ẩm thực các món ăn chế biến từ sen; Phố ẩm thực sen; Diễu hành xe cổ; Lễ hội Carnival sen và Chương trình nghệ thuật “Giai điệu tuổi trẻ Đất Sen hồng”; Hội thi thời trang sen; Triển lãm ảnh nghệ thuật, tranh và gốm Nam Bộ chủ đề sen Đồng Tháp; Trekking đi giữa mùa sen - Tràm Chim; Tour du lịch trải nghiệm sen; Không gian sáng tạo, trải nghiệm chủ đề sen; hoạt động Bích họa sen …
Đặc biệt, không gian đại cảnh, tiểu cảnh của Lễ hội Sen với các hoạt động hấp dẫn như: Thực hiện Bản đồ từ sen lớn nhất Việt Nam; diễu hành áo dài sen, với sự tham gia của 5.500 phụ nữ Đồng Tháp; không gian Sen với 66.000 chậu Sen, với hơn 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách.
Ngoài ra còn có Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Đồng Tháp năm 2024 quy tụ 250 gian hàng; không gian trưng bày chuỗi ngành hàng sen, giới thiệu khoảng 60 sản phẩm OCOP từ sen và trên 120 sản phẩm chế biến từ Sen sẽ là nơi mua sắm thỏa thích dành cho người dân và du khách trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội.
Chương trình lễ khai mạc với chủ đề: “Rạng ngời sắc Sen” diễn ra vào lúc 20 giờ, ngày 16/5, tại sân khấu chính: Quảng trường Văn Miếu, thành phố Cao Lãnh.
Ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thông qua Lễ hội Sen lần này, địa phương mong muốn giới thiệu về văn hóa, du lịch địa phương, quảng bá tiềm năng vốn có để đẩy mạnh các hoạt động kinh tế từ sen, liên kết phát triển du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp; mở ra nhiều cơ hội kết nối, giao lưu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, những người làm kinh tế sen, đưa ngành hàng sen phát triển xứng tầm vị thế, tiềm năng vốn có.