Tỷ giá đồng USD trong phiên giao dịch ngày 21/3 có phiên giảm giá mạnh nhất kể từ ngày 24/1 mặc dù FED nâng lãi suất sau khi kết thúc phiên họp chính sách. Giới phân tích cho rằng nỗi lo xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và những hoài nghi về triển vọng lãi suất đã khiến đồng bạc xanh rớt giá.
Chỉ số USD so với giỏ 6 đồng tiền chủ chốt trong phiên sáng 22/3 tiếp tục giảm 0,3%, xuống còn 89,520 điểm, sau khi đã giảm 0,7% trong phiên trước đó.
Cuộc họp chính sách của FED đã kết thúc ngày 21/2 với quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 1,50 - 1,75% đúng như dự báo của thị trường và cả giới chuyên gia. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của FED trong năm 2018 dựa trên triển vọng tăng trưởng vững mạnh của nền kinh tế Mỹ.
FED dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần nữa trong năm 2019 và 2 lần trong năm 2020. Tuy nhiên, đối với năm nay, FED giữ nguyên dự báo nâng lãi suất 3 lần, nghĩa là còn 2 lần tăng nữa trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Trước đó, nhiều nhà phân tích đã kỳ vọng FED sẽ phát tín hiệu nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018. Bởi vậy, việc FED dự kiến tăng lãi suất 3 lần khiến thị trường phần nào thất vọng.
“Việc FED tăng lãi suất 3 lần, thậm chí 4 lần, trong năm nay không phải là bất ngờ quá lớn đối với thị trường tiền tệ, điều đó đã được dự đoán là FED sẽ tiếp tục bình thường hóa chính sách”, Shin Kadota - chiến lược gia cao cấp của Barclays ở Tokyo cho biết.
“Đồng USD cần một sự ngạc nhiên lớn mới có thể tăng lên, điều mà cuộc họp của FED không cung cấp”, chiến lược gia Kadota nói.
So với đồng USD, đồng yen Nhật được giao dịch với giá 105,92 - 105,93 Yen/USD, tăng nhẹ so 105,99-105,09 Yen/USD tại thị trường New York tối 21/3.
Trái ngược với đà lao dốc của đồng bạc xanh, trong phiên giao dịch ngày 22/3, phần lớn thị trường chứng khoán châu Á đều tăng điểm sau khi quyết định tăng lãi suất chủ chốt của FED.
Trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 34,46 điểm (0,16%) so với cuối phiên giao dịch ngày 20/3, lên 21.415,43 điểm. Trong khi đó, chỉ số Topix giảm 0,81 điểm (tương đương 0,05%) xuống mức 1.715,48 điểm. Các thị trường tài chính Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ ngày 21/3.
Tại Trung Quốc, 2 thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong đều tăng điểm. Chỉ số Hang Seng tăng 151,94 điểm (tương đương 0,48%) lên 31.566,46 điểm; chỉ số Shanghai Composite chỉ tăng nhẹ 0,32 điểm lên 3.281,27 điểm.
Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI tăng 18,4 điểm (khoảng 0,74%), lên 2.503,37 điểm.
Tình hình tương tự diễn ra tại các thị trường chứng khoán ở Singapore , Manila và Jakarta và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc). Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Australia lại giảm điểm.