Đồng USD rời mức đỉnh so với yen Nhật do căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch đầu tuần (9/10), đồng USD giảm so với yen Nhật Bản, rời xa mức cao nhất trong 12 tuần gần đây lập được trong tuần trước do thị trường lo ngại về việc Triều Tiên có thể sẽ tiến hành một vụ phóng thử tên lửa mới.

Đồng bạc xanh giảm so với các đồng tiền chủ chốt chính khác trong phiên giao dịch vì tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng. 
Hôm 7/10, hãng RIA Novosti (Nga) trích lời một nghị sĩ nước này cho biết CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị thử tên lửa tầm xa mà nước này tin rằng có thể vươn tới bờ Tây của nước Mỹ.
 Đồng USD giảm so với yen Nhật Bản. 
Hãng RIA Novosti cho biết ông Anton Morozov, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga, và 2 nghị sĩ khác đã có chuyến thăm  Triều Tiên từ ngày 2-6/10. Theo ông Morozov, Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa mới. Theo tính toán thì tên lửa này có thể chạm tới bờ biển phía Tây của nước Mỹ.
Cụ thể, đồng USD giảm 0,06% so với yen Nhật xuống 112,56 yen.
Chỉ số USD, cho biết sức mạnh của đồng USD thông qua diễn biến tỷ giá giữa đồng bạc xanh và 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,1%, xuống 93,733 điểm, thấp hơn nhiều mức chốt phiên cuối tuần trước ở mức 94,267 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ tháng 9 của Caixin sẽ được công bố trong sáng nay, với dự báo đưa ra trước đó là 53,1 điểm.
Trong khi đó, đồng bảng Anh tăng 0,15% so với USD, lên 0,7778 USD. Tỷ giá đồng euro cũng ghi nhận tăng 0,09% so với USD lên 1,1742 USD.
Đồng bạc xanh đã tăng mạnh trong ngày thứ Sáu tuần trước sau khi số liệu bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 9 của Mỹ được đánh giá là có khả năng thúc đẩy lạm phát đi lên.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế Mỹ đã mất 33.000 việc làm trong tháng 9, kết thúc chuỗi tăng trưởng việc làm liên tục trong 7 năm. Mặc dù vậy, số liệu giảm là do tuyển dụng suy yếu dưới tác động của 2 cơn bảo Harvey và Irma
Trong khi đó, tỷ lệ thấp nghiệp giảm còn 4,2%, mức thấp nhất kể từ năm 2001 và tiền lương trung bình/giờ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia phân tích nhận định tăng trưởng lương sẽ làm gia tăng kỳ vọng tăng lãi suất trong tháng 12.
Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sẽ củng cố đồng USD thông qua việc khiến các tài sản của Mỹ trở nên thu hút hơn đối với các nhà đầu tư trái phiếu.
Trong khi đó, đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tuần hôm thứ Sáu vì lo ngại về khả năng chia rẽ trong nội bộ chính phủ Ahh vì tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Trong tuần này, thị trường sẽ chờ đợi biên bản họp của FED được đưa ra vào thứ Tư (11/10) để có gợi ý mới nhất về thời gian nâng lãi suất lần tiếp theo của ngân hàng trung ương Mỹ. Số liệu lạm phát và doanh số bán lẻ của Mỹ cũng sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu (13/10).
Bài phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cũng sẽ trở thành tâm điểm của giới đầu tư, để có thêm thông tin về thời điểm ngân hàng trung ương sẽ dừng chương trình chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần