Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dòng vốn kỷ lục đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 4/2021, dòng vốn ETF ghi nhận giá trị kỷ lục, với lượng vốn vào tăng ròng lên tới 370 triệu USD, tương đương khoảng 8.700 tỷ đồng, ở 10 quỹ ETF chính đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

 Tháng 4/2021, TTCK Việt Nam đón nhận dòng vốn tăng kỷ lục. Ảnh mang tính chất minh họa.

Dòng vốn vọt tăng
Theo đó, quỹ Fubon FTSE Vietnam mới được thành lập trong tháng 4/2021 đã có 7.800 tỷ đồng, lớn nhất trong các quỹ. Với tổng tài sản 8.200 tỷ đồng và trở thành quỹ ETF lớn thứ 5 tại Việt Nam, quỹ Fubon đã đạt giá trị tài sản mục tiêu trước khi IPO. Dòng tiền vào quỹ có thể chậm lại sau giai đoạn IPO, tuy nhiên chuyên gia nhận định, xu hướng dòng tiền tốt sẽ được duy trì không chỉ ở quỹ Fubon và cả các ETF khác. Do đó, dòng vốn nước ngoài vào cổ phiếu Việt Nam trong tháng 5 có thể không mạnh như tháng 4 nhưng sẽ vẫn duy trì tích cực.
Các quỹ ETF khác duy trì dòng tiền tích cực như VFM VNDiamond tăng 612 tỷ đồng, VanEck Vectors Vietnam tăng 196 tỷ đồng, SSIAM FINLead tăng 180 tỷ đồng, FTSE Vietnam tăng 75 tỷ đồng. Ngược lại, quỹ VFM VN30 ETF tiếp tục bị rút ròng giảm 111 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giá trị rút không đáng kể và đã giảm mạnh so với 2 tháng trước đó, nên đây cũng là tín hiệu tích cực hơn. Tính từ đầu năm, các quỹ ETF đã tăng ròng dòng vốn vào TTCK Việt Nam, với tổng cộng 13.200 tỷ đồng.
Các quỹ chủ động vẫn rút ròng vốn tháng thứ 8 liên tiếp, nhưng mức rút ròng tháng 4/2021 chỉ ở mức 41 triệu USD, giảm mạnh 54% so với tháng trước, mức rất nhỏ so với lượng vốn của quỹ ETF, do đó TTCK Việt Nam vẫn ghi nhận một tháng có vốn vào kỷ lục, cao hơn cả vốn vào TTCK Trung Quốc.
Tín hiệu tích cực nữa ở TTCK Việt Nam đó là, trên các sàn giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 4 đã mua ròng 273 tỷ đồng, sau 6 tháng liên tiếp bán ròng trước đó. Khối ngoại tập trung mua ròng vào những phiên cuối tháng 4.
Khuyến nghị tháng 5
Tháng 5, thường được nhà đầu tư quan ngại với hiện tượng “Sell in May”, ý muốn nói rằng, chỉ số VN-Index khó có thể bứt phá mạnh khi thị trường thiếu vắng những thông tin hỗ trợ.
Thống kê trong giai đoạn 2001-2020, mức sinh lời trung bình của VN-Index trong tháng 5 là tăng 1,3%, tốt hơn so với các tháng 3, tháng 7 và 9. Nhưng riêng năm 2020, trong bối cảnh TTCK hồi phục sau làn sóng bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ nhất, VN-Index đã tăng trưởng tới 15% trong tháng 5.
Do đó, chuyên gia chứng khoán của SSI cho rằng: “Sell in May” không còn được xác nhận bởi số liệu thống kê; thay vào đó việc tìm kiếm, xây dựng và trau dồi chiến lược đầu tư mới là điều cần chú ý.
Đánh giá về TTCK, SSI cho rằng điểm tích cực trong trung hạn là do kinh tế vĩ mô diễn biến khả quan những tháng đầu năm, môi trường lãi suất thấp được duy trì; lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2021. Đối với tháng 5//2021, thị trường đối mặt với một số yếu tố rủi ro như: Sự bùng phát của dịch bệnh hay khả năng lạm phát gia tăng theo chiều hướng đi lên của giá hàng hóa.
Tuy nhiên, SSI vẫn đưa ra 2 kịch bản của chỉ số VN-Index, đó là: VN-Index giữ được đà tăng, nhà đầu tư tăng dần tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số vượt qua các mốc kháng cự quan trọng, bao gồm khu vực 1.260 -1.262 điểm và xa hơn là đỉnh cũ 1.286 điểm, đi cùng với sự tăng về thanh khoản.
Kịch bản 2 là VN-Index có thể đảo chiều trở lại trước các nhân tố rủi ro tiềm ẩn. Nhà đầu tư cần chờ đợi phản ứng của thị trường tại các vùng hỗ trợ 1.220 điểm và hỗ trợ mạnh là 1.200 điểm. Hoạt động giải ngân có thể được xem xét tại các mức hỗ trợ này, chỉ số chỉ hồi phục trở lại khi thanh khoản cao trên thị trường.
Theo SSI, tháng 5/2021, giá hàng hóa tăng sẽ thúc đẩy một số cổ phiếu ngành thép, dầu khí, bất động sản và ngân hàng tiếp tục tăng và hút dòng vốn. Đáng chú ý là cổ phiếu HPG, PVS CTG, TCB, STB, DIG, NLG dự báo tiếp tục khả quan và một số mã ngành khác nên lựa chọn đầu tư như FPT, GMD, HAH.