Biên độ quá nhỏ so với nhu cầu
Chính sách tài khóa và tiền tệ là các chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng của mỗi quốc gia. Trong đó, mỗi chính sách theo đuổi một mục tiêu cụ thể và tuân thủ những quy luật riêng.
Tuy nhiên, tất cả đều hướng tới mục đích ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng hành với hoạt động của các doanh nghiệp...
Trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về hỗ trợ tiếp cận tín dụng, Điều 8 quy định chính sách hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay. Khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác. Cùng với đó, khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.
Khối doanh nghiệp này được cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.
Đồng thời, được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Điều 9 của luật này. Tuy nhiên, tại Nghị định 34 về Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, vốn điều lệ tối thiểu của một quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương là 100 tỷ đồng.
Bàn về vấn đề trên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, đây là con số quá nhỏ cho một địa phương. Bởi chỉ có 100 tỷ đồng, nếu doanh nghiệp chỉ cần đủ điều kiện bảo lãnh 50 tỷ đồng, biên độ đủ cho 2 doanh nghiệp bảo lãnh.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, hiện tổng dư nợ lên đến 12 triệu tỷ đồng, nhưng phần lớn dành cho các công ty lớn. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ được 40% (khoảng 5 triệu tỷ đồng dư nợ) so với rất nhiều nhu cầu cần bảo lãnh từ Quỹ bảo lãnh tín dụng.
"Thay vì Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương vốn điều lệ chỉ 100 tỷ đồng, con số nên nâng 10.000 tỷ đồng để có thể bảo lãnh cho các doanh nghiệp trên toàn quốc để duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh" - chuyên gia đề xuất.
Đồng thời cho rằng, nên xem xét việc xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc này khó vì phương pháp thẩm định doanh nghiệp rất bao quát từ thị trường, đến tình hình tài chính, quản trị và đặc biệt phải có báo cáo tài chính, có kiểm toán...
Nếu không có báo cáo kiểm toán, các đơn vị bảo lãnh có thể thẩm định và đưa ra xếp hạng tín dụng, nhưng có thể sẽ đưa ra những miễn trừ trong đó. Họ nói rằng chỉ thẩm định trên một kết quả của báo cáo tài chính không được kiểm toán. Do đó, độ tin cậy không lớn.
Nên chăng chấm điểm tín dụng?
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), Phó Chủ tịch Công ty N&G Group Nguyễn Vân ví von, với cộng đồng doanh nghiệp, nguồn vốn, dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh như "máu chảy" trong cơ thể con người. Nếu lưu thông tốt, cơ thể mới thực sự khoẻ mạnh và phát triển.
Với Quỹ bảo lãnh tín dụng, doanh nghiệp thực sự khó tiệm cận vì những quy định khá chặt chẽ. Rất ít doanh nghiệp được thụ hưởng từ cơ chế, chính sách về tín dụng.
Do đó, nên tính toán vừa tránh rủi ro, vừa hỗ trợ nguồn vốn để doanh nghiệp có thêm trợ lực tài chính. Nên xem xét việc "tín chấp" bằng chính những hợp đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp trong nước đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thông tin về nguồn vốn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Hoàng Mai Nguyễn Thị Bích Hạnh cho hay, VietinBank dành 50.000 tỷ đồng cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo, xử lý nước, xử lý rác thải chính sách ưu đãi thúc đẩy tài chính bền vững (GREEN UP 2024). Ngân hàng đặc biệt chú trọng tới việc hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để thực hiện các dự án phát triển bền vững.
Tính đến 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống VietinBank đạt hơn 564.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).
Từ thực tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các siêu nhỏ với vài chục nhân viên, hộ kinh doanh không có báo cáo tài chính được kiểm toán, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, có lẽ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phải bỏ qua một bên, sử dụng xếp chấm điểm tín dụng.
Chấm điểm tín dụng đơn giản hơn nhiều, sử dụng những con số trên báo cáo thuế và đưa vào một số chỉ tiêu, dựa trên những chỉ tiêu đó có những điểm có thể từ 1 - 10, hay từ 1 - 6… và bên cạnh những phương pháp về định lượng, tức là sử dụng những con số đó phải có sự thẩm định mang tính định tính.
Đơn cử, một doanh nghiệp có nhà quản lý lâu đời, có uy tín trên thị trường, không vi phạm luật phải có tiêu chí trên định tính. Kết hợp cả phương pháp về định tính và định lượng sẽ có điểm tín dụng. Điểm tín dụng này sẽ là cơ sở để các ngân hàng và Quỹ bảo lãnh tín dụng có thể thẩm định và hỗ trợ họ bằng bảo lãnh.
Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không có tài sản bảo đảm. Nếu có tài sản bảo đảm nhưng giá trị thấp nên tỷ lệ được vay chỉ khoảng 50 - 60%.
TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏNam (VINASME)