Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng yen tăng giá kỷ lục

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đóng cửa ngày giao dịch 16/3 tại châu Mỹ, đồng đôla mất giá mạnh so với yen Nhật khi một USD chỉ còn đổi được 76,25 yen.

KTĐT - Đóng cửa ngày giao dịch 16/3 tại châu Mỹ, đồng đôla mất giá mạnh so với yen Nhật khi một USD chỉ còn đổi được 76,25 yen.

Sự lo ngại của thị trường tài chính trước khả năng các ngân hàng và quỹ bảo hiểm Nhật sẽ bán các tài sản tại nước ngoài để thu tiền về nước khiến tỷ giá đồng yen so với đôla Mỹ leo lên mức cao nhất kể từ Thế chiến thứ 2.

Đóng cửa ngày giao dịch 16/3 tại châu Mỹ, đồng đôla mất giá mạnh so với yen Nhật khi một USD chỉ còn đổi được 76,25 yen. Đây là mức thấp nhất được ghi nhận trong vòng hơn 65 năm qua. Đồng yen sau đó có dấu hiệu yếu đi đôi chút trong phiên giao dịch sáng nay tại châu Á nhưng vẫn được giao dịch ở quanh mốc 79,4 yen đổi một USD trong khoảng 9-10 sáng nay (theo giờ Hà Nội).

Trong khi đồng tiền tăng giá mạnh do dự báo của giới đầu tư về nhu cầu đưa tiền về nước của các quỹ đầu tư và ngân hàng Nhật thì thị trường chứng khoán nước này lại giảm mạnh trong sáng nay. Tính đến 9h40 (giờ Hà Nội), chỉ số Nikkei 225 đã giảm gần 190 điểm (tương đương hơn 2%), xuống 8.903,86 điểm. Trong buổi sáng, chỉ số này có lúc đã giảm gần 3%.

Theo hãng tin Bloomberg, sự sụt giảm nói trên chủ yếu do lo ngại của giới đầu tư về lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật sau khi hoạt động sản xuất bị đình trệ tại nhiều nơi. Đồng yen mạnh lên cũng đe dọa doanh thu của các hãng này trong thời gian tới. Trong buổi sáng, cổ phiếu của Sony đã giảm giá 3,2% trong khi mức mất giá đối với Honda là 2,6%. Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương, theo đó cũng giảm 1,3%, xuống 127,34 điểm.

Theo nguồn tin từ BBC, các Bộ trưởng Tài chính G7 sẽ nhóm họp trong ngày hôm nay để thảo luận về các biện pháp đối phó với những bất ổn trên thị trường tài chính sau sự kiện xảy ra tại Nhật. Giới phân tích cho rằng một số biện pháp can thiệp vào thị trường hối đoái sẽ được triển khai sau cuộc họp này nhằm ổn định tỷ giá đồng yen.

"Chủ đề đồng yen chắc chắn sẽ được nhắc đến trong cuộc họp này với mục tiêu chính là ổn định lại thì trường tài chính. Tôi cho rằng sẽ không có gì bất ngờ nếu các nước G7 tiến hành can thiệp trong trường hợp này”, chuyên gia Alan Ruskin của Deutsche Bank nhận định.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Nhật Yoshihiko Noda từ chối bình luận về khả năng Chính phủ nước này có thể thực hiện những biện pháp tiếp theo để trợ giúp thị trường. Tuy nhiên, ông Noda cũng cho biết các cơ quan chức năng vẫn đang theo dõi sát diễn biến trên thị trường: “Nhà đầu tư đang khá phấp phỏng nên giao dịch trên thị trường tài chính hiện vẫn rất thận trọng và thiếu thanh khoản”, người đứng đầu ngành tài chính Nhật nhận định.

Tuy vậy, trong ngày 16/3, Chính phủ Nhật cũng đã bơm thêm 5.000 tỷ yen (khoảng 63 tỷ USD) vào thị trường tài chính thông qua hệ thống ngân hàng. Đây là lần bơm tiền thứ 4 của nhà chức trách nước này kể từ sau tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng trung ương về việc hỗ trợ thị trường tài chính và nâng tổng số tiền được Chính phủ chi ra lên tới 31.500 tỷ yen (tương đương gần 400 tỷ đôla Mỹ).