Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doping - điểm nóng mới thời hậu Chiến tranh Lạnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người hâm mộ thể thao toàn cầu thời gian qua liên tục bị sốc trước các cáo buộc nhiều vận động viên (VĐV) nổi danh thế giới sử dụng doping.

Và đằng sau các bản báo cáo dày hàng trăm trang, nêu đích danh tên tuổi của VĐV “dính chàm” là câu chuyện chính trị vô cùng phức tạp thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Nữ VĐV Liliya Shobukhova thừa nhận đã chi 450.000 Euro để che đậy kết quả dương tính với doping.
Nữ VĐV Liliya Shobukhova thừa nhận đã chi 450.000 Euro để che đậy kết quả dương tính với doping.
Gần một năm sau khi thông tin 65% các cua rơ tham gia giải đua xe danh tiếng nhất hành tinh Tour de France từ năm 1998 - 2013 đã sử dụng các chất kích thích bị cấm, đến lượt điền kinh – môn thể thao nữ hoàng vướng phải bê bối. Kết quả xét nghiệm máu được thực hiện bởi Liên đoàn Điền kinh quốc tế (IAAF) giai đoạn 2012 – 2013 bị Sunday Times – một tờ báo Anh công bố hôm 2/8 cho thấy, cứ 7 VĐV thì có 1 VĐV sử dụng các hoạt chất “tương tự doping” và 1/3 số huy chương trong các giải đấu quốc tế đã được “trao nhầm” cho các VĐV dùng chất cấm. Thông tin này làm dấy lên các cuộc tranh cãi về việc IAAF “ngó lơ” cho những sai phạm gây ra những nguy cơ cho sức khỏe của VĐV. Tuy nhiên, đại diện IAAF đã phủ nhận cáo buộc này, nhấn mạnh đã áp dụng chương trình thử máu khắt khe nhất trong giới thể thao và từng tước huy chương của nhiều VĐV.

Những ồn ào từ IAAF chưa lắng xuống, đến lượt Cơ quan chống doping thế giới (WADA) hôm 9/11 công bố báo cáo cho thấy, sự “thất bại mang tính hệ thống” của tổ chức này khi không có một chương trình chống doping hiệu quả. Báo cáo dày 323 trang của một Ủy ban điều tra độc lập của WADA đã âm thầm điều tra, thu thập chứng cứ trong nhiều năm qua và khẳng định, Olympic London 2012 đã bị “phá hoại ngầm” do IAAF và Liên đoàn thể thao Nga “bỏ qua” cho những VĐV có hồ sơ doping đáng ngờ. Thậm chí, thay vì chỉ trích cá nhân các VĐV – những người đã hối lộ hàng chục ngàn USD để qua được các kỳ kiểm tra doping, WADA cáo buộc chính phủ Nga ủng hộ việc sử dụng doping có hệ thống nhằm làm suy yếu các môn thể thao Olympic.

Việc WADA chĩa mũi nhọn chỉ trích vào chính quyền Nga là không mới. Hồi tháng 6, cơ quan này phát hành báo cáo cho thấy, Nga dẫn đầu thế giới về tỷ lệ lạm dụng doping trong năm 2013 khi chiếm 11,5% toàn cầu. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng quyết định tước huy chương của 7 VĐV Nga, gần đây nhất là của nhà vô địch ném đĩa Darya Pishchalnikova. Năm 2008, IAAF đã ra phán quyết đình chỉ thi đấu 2 năm với 7 nữ VĐV điền kinh của xứ sở Bạch dương sau khi các mẫu nước tiểu của họ phản ứng dương tính với chất cấm.

Hàng loạt vụ việc chỉ đích danh những VĐV của Nga lạm dụng doping không còn là câu chuyện thể thao đơn thuần mà là vấn đề liên quan đến chính trị. Năm 2014, kênh truyền hình ARD đã phát sóng một bộ phim tài liệu với rất nhiều chỉ trích nhằm vào giới chức điện Kremli. Trong đó hé lộ chương trình hỗ trợ chất cấm cho hơn 10.000 VĐV do Moscow hậu thuẫn và một ngành công nghiệp điều chế các hoạt chất kích thích dùng cho thể thao. Liliya Shobukhova - nữ VĐV từng vô địch marathon tại Olympic London còn thừa nhận đã chi 450.000 Euro để che đậy kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm.

Tất nhiên, những thông tin này vẫn chưa được kiểm chứng nhưng nó đã làm lung lay vị thế của thể thao Nga, vốn luôn đứng top đầu trong các kỳ Olympic và các sự kiện thi đấu nổi tiếng khác. Đặc biệt, việc WADA lên tiếng kêu gọi cấm những VĐV Nga sử dụng chất cấm không được tham gia thi đấu đã tạo ra nguy cơ gây ra một bước chuyển lớn trong lịch sử Olympic và thay đổi cục diện địa chính trị toàn cầu. Chỉ còn 9 tháng nữa là đến ngày khai màn của Olympic 2016, các quan chức Nga cho rằng, cáo buộc của WADA chẳng khác nào một loại “vũ khí hạt nhân”. Thực ra, các VĐV Mỹ và Nga đã không tham gia Thế vận hội năm 1980 và 1984 như biểu hiện rõ ràng nhất về sự đối đầu giữa hai cực Đông và Tây trong thời kỳ của Chiến tranh Lạnh. Nếu điều này thực sự xảy ra, đó vừa là một sự mất mát lớn với thể thao thế giới khi người hâm mộ không được chứng kiến những màn thi đấu đỉnh cao giữa các VĐV hàng đầu, vừa cảnh báo nguy cơ chính trị hóa thể thao đang dần quay lại, tác động lớn đến cán cân quyền lực trên toàn cầu.