Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý tổ chức lễ hội năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015, diễn ra chiều ngày 15/1, Bộ VHTT&DL đã coi đây là “điểm nóng” tiếp tục chấn chỉnh.
Theo kết quả cuộc điều tra xã hội học của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đa số ý kiến được hỏi đều cho rằng ở đền Bà Chúa Kho đốt quá nhiều vãng mã. Mỗi năm đền Bà Chúa Kho tiêu tốn hàng trăm triệu đồng cho việc đốt vàng mã. Ông Nguyễn Văn Ảnh – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Ninh thừa nhận: “Thời gian gần đây, nhà đền đã cắt cử người vận động du khách không mang vàng mã ra lò đốt mà cung tiến vào kho để phân tán lộc cho du khách. Nhưng như thế là không đốt nhiều ở đền, mà mang về nhà, sẽ vẫn là tốn kém”. Vị đại diện ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh dường như cũng cảm thấy “bó tay”, không thể ngăn chặn tình trạng này.
Lễ hội đền bà Chúa Kho
|
Trong đề án nghiên cứu đề án đốt vàng mã tại di tích đền Bà Chúa Kho, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam mới chỉ có những đề xuất chung chung, chưa giải quyết được vấn đề trong thực tế. Người dân mong mỏi môi trường lễ hội cần được chấn chỉnh như ở đền Trần (Nam Định). Mặc dù, đến nay công tác lễ hội ở đền Trần chưa hạn chế được hết các mặt tiêu cực, nhưng sau 2 năm thực hiện đề án phát ấn mới tình trạng chen lấn xô đẩy cướp ấn đã được cải thiện, nhiều lễ cổ được phục dựng. ông Khúc Mạnh Kiên – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Nam Định thông tin: “Năm nay lễ hội đền Trần sẽ khôi phục thêm lễ rước kiệu ngọc”.
Năm nay sẽ diễn ra nhiều ngày lễ, ngày kỷ niệm có quy mô lớn; có thể xảy ra hiện tượng “bùng nổ” lễ hội ở các cấp. Thế nhưng, trong định hướng quản lý của Bộ VHTT&DL dường như vẫn còn mơ hồ. 60 lễ hội đang được lên danh sách thực hiện thanh tra cũng chỉ như dưới dạng “đánh trống bỏ dùi”. Nói như ông Nguyễn Hữu Sơn – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Lào Cai: “Chúng tôi cần lắm những văn bản pháp luật mang tính dự báo, cần lắm những cuộc thanh tra theo hình thức du kích. Thành lập cả đoàn thanh tra hoành tráng nhưng hiệu quả quản lý chưa thấy đâu thì cũng thật buồn”.
Đã nhiều năm rồi, nhà quản lý văn hóa vẫn loay hoay quản lý lễ hội nên chưa thể tìm ra giải pháp cụ thể. Muốn làm được điều này cần những hành động quyết liệt hơn, sâu sát hơn, chứ không phải theo hình thức đọc báo cáo, rồi đánh giá vấn đề “nước sôi lửa bỏng” ở hội nghị.