Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 13/9, trong đó chỉ số S&P 500 trượt nhẹ do mức giảm khá mạnh của cổ phiếu Apple. Tuy nhiên, nhờ được hỗ trợ từ việc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dịu đi, thước đo giá cổ phiếu rộng nhất của Phố Wall hiện chỉ cách chưa đầy 1% so với mức cao nhất mọi thời đại.
Chỉ số Dow Jones tiếp tục đi lên phiên này, ghi nhận chuỗi tăng 8 phiên liên tục, nhờ đà tăng của nhóm công nghiệp vốn là những cổ phiếu có mức độ nhạy cảm cao với tin tức về thương chiến Mỹ - Trung. Đây là chuỗi phiên tăng dài nhất của Dow Jones kể từ tháng 5/2018.
Cả ba chỉ số chính của sàn Phố Wall cùng chốt tuần tăng thứ ba liên tục. Lực đẩy chính cho thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần này là kỳ vọng dần “tan băng” cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới, vốn đã gây sóng gió trên thị trường tài chính toàn cầu suốt nhiều tháng qua.
“Nếu bất cứ ai có bất kỳ nghi ngờ về những gì đang diễn ra trên thị trường, đó là về cuộc chiến thương mại”, Brent Schutte, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Northwestern Mutual Wealth Management, nhận định.
Tâm lý xung quanh cuộc chiến thương mại đã được cải thiện sau khi tờ New York Times hôm 13/9 đưa tin rằng Trung Quốc sẽ miễn thuế bổ sung đối với một số hàng nông sản Mỹ, bao gồm đậu nành và thịt heo. Động thái này của Bắc Kinh được xem là sự phản hồi đối với việc Tổng thống Donald Trump trước đó tuyên bố để ngỏ khả năng ký một thỏa thuận thương mại tạm thời với Trung Quốc. Đây là những bước đi mềm mỏng của hai bên trước thềm cuộc đàm phán thương mại cấp cao dự kiến diễn ra ở Washington vào tháng tới.
Trong phiên giao dịch này, Apple là cổ phiếu gây áp lực giảm mạnh nhất lên cả ba chỉ số của chứng khoán Mỹ. "Táo khuyết" giảm 1,9% sau khi ngân hàng Goldman Sachs cắt giảm mức giá mục tiêu cho cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone.
"Apple ghìm các chỉ số trong phiên này", chiến lược gia Peter Cardillo của Spartan Capital Securities nhận xét. "Một nhân tố khác là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh. Hai nhân tố này khiến Phố Wall mất điểm, dù được đẩy lên bởi những thông tin khả quan về thương mại".
Ngoài tin tốt về thương chiến, Phố Wall còn đón nhận một số thông tin kinh tế khả quan trong phiên ngày 13/9. Dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh thu bán lẻ ở nước này tăng mạnh gấp đôi so với dự báo của giới phân tích - dấu hiệu cho thấy tiêu dùng tiếp tục hỗ trợ chuỗi thời gian tăng trưởng dài kỷ lục của kinh tế Mỹ, bắt đầu từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ.
Trong tuần tới, tâm điểm chú ý của thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu sẽ là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ngân hàng trung ương này được dự báo sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 0,14%, đạt 27.219,52 điểm. S&P 500 giảm 0,07%, còn 3.007,39 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,22%, còn 8.176,71 điểm.
Tính chung trong tuần, Dow Jones tăng 1,6%, trong khi S&P 500 và Nasdaq cùng tăng 0,9%.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 5 nhóm chốt phiên trong sắc đỏ. Mức giảm mạnh nhất 1,3% thuộc về nhóm địa ốc. Vật tư là nhóm tăng mạnh nhất, với mức tăng 1,1%.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,11 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, số mã tăng nhiều gấp 1,21 lần số mã giảm.
Có tổng cộng 6,93 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên này, so với mức bình quân 6,75 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất