Dow Jones tăng mạnh nhất từ năm 2008 nhờ giảm nỗi lo chiến tranh thương mại

Nguyễn Phương (Theo USAtoday, Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường Phố Wall phục hồi mạnh trong ngày 26/3, trong đó Dow Jones vọt tăng mạnh nhất kể từ năm 2008 nhờ giảm nỗi lo chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Thông tin về việc Mỹ và Trung Quốc sẽ đàm phán về thương mại đã làm giảm đi mối lo về cuộc chiến thương mại và mất cân bằng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới giúp các nhà đầu tư hào hứng trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Thị trường Phố Wall quay đầu phục hồi mạnh trong ngày 26/3. 
Thị trường chứng khoán Mỹ giao dịch khởi sắc sau khi chứng kiến tuần giao dịch "thảm hại nhất" trong 2 năm gần đây. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một bản ghi nhớ đánh thuế 60 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại, khiến giới đầu tư run sợ ồ ạt bán tháo. Hai phiên bán tháo cuối tuần trước đã khiến Dow Jones mất tới hơn 1.000 điểm.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin vừa nói với hãng tin Fox News rằng Mỹ đang cố gắng đạt được thỏa thuận với Trung Quốc để ngăn Tổng thống Mỹ Donald Trump không áp đặt thuế ít nhất 60 tỷ USD lên hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rất hiệu quả. Tôi hy vọng một cách thận trọng rằng chúng tôi có thể tiến tới thỏa thuận”, ông Mnuchin phát biểu trên chương trình “Fox News Sunday” sau khi có cuộc thảo luận với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
“Đây rõ ràng là sự xoa dịu tình trạng căng thẳng thương mại. Những nhận định của Bộ trưởng Mnuchin tạo cơ hội thương lượng với Trung Quốc”, Oliver Pursche - Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường tại Bruderman Asset Management ở New York cho biết.
Bên cạnh đó, ngày 26/3, Peter Navarro - Cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ tiếp tục thảo luận với Trung Quốc về vấn đề mất cân bằng thương mại, và hy vọng Bắc Kinh sẽ hợp tác để giúp giảm mức thâm hụt thương mại trị giá 375 tỷ USD của Mỹ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Sau các thông tin tích cực này, giới đầu tư đã hồ hởi trở lại đẩy mạnh mua vào, giúp 3 chỉ số chính của Phố Wall tăng vọt trong phiên đầu tuần mới. Trong đó, Nasdaq tăng mạnh nhất 3,2% nhờ sự khởi sắc của cổ phiếu Microsoft với mức tăng tới 7,6% sau khi Morgan Stanley tăng định giá cổ phiếu này lên. Chỉ số Dow Jones tăng mạnh nhất kể từ năm 2008 với 669 điểm, tương đương 2,8%. 
Bên cạnh đó, S&P 500 đã hồi phục lại gần một nửa mức sụt giảm gần 6% trong tuần trước đó. Tất cả 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đều leo dốc, dẫn đầu là lĩnh vực công nghệ và tài chính với mức tăng tương ứng 4% và 3,2%.
“Chúng ta đã chứng kiến một phiên tăng rất mạnh vì khả năng thương lượng giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông Dennis Dick - người đứng đầu tại Markets Structure và là chuyên viên giao dịch tại Bright Trading LLC ở Las Vegas cho hay.
“Mọi người đang tận dụng đà giảm mạnh hồi tuần trước. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta vẫn chưa thoát khỏi rắc rối đâu. Đây là sự bất ổn về chính trị”, ông Dick nói thêm.
Nhóm cổ phiếu công nghệ chứng kiến mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2015 và nhóm cổ phiếu tài chính có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2016.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/3, chỉ số Dow Jones vọt  669,4 điểm (tương đương 2,84%) lên 24.202.6 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 70,29 điểm (tương đương 2,72%) lên 2.658.55 điểm và chỉ số Nasdaq Composite sụt 227,88 điểm (tương đương 3,26%) lên 7.220.54 điểm.
Tất cả 3 chỉ số chính đều ghi nhận phiên tăng mạnh nhất về phương diện phần trăm kể từ ngày 26/8/2015.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục chìm trong sắc đỏ do đồng euro tăng và căng thẳng ngoại giao giữa Liên minh châu Âu (EU) với Nga xung quanh vụ cựu điệp viên hai mang người Nga bị đầu độc tại Anh.
Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 148,24 điểm. 
Kết thúc phiên 26/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 33,25 điểm (tương đương 0,48%), xuống 6.888,69 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 99, 05 điểm (khoảng 0,83%), xuống 11.787,26 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 28,93 điểm (tương đương 0,57%), xuống 5.066,28 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông cũng đã hồi phục trở lại trong ngày 26/3 mặc dù giảm nhẹ trong giờ mở cửa. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục có phiên giảm điểm.
Kết thúc phiên 26/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 148,24 điểm (tương đương 0,72%), lên 20.766,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 239,48 điểm (khoảng 0,79%), lên 30.548,77 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 19,04 điểm (tương đương 0,60%), xuống 3.133,72 điểm.