Thông báo được dán trước cổng chùa Phúc Khánh. Ảnh: Lại Tấn |
Nhưng năm nay tháng 7 âm lịch lại về, tinh thần chen chân cầu cúng của người dân đã khác. Giáo hội Phật giáo khuyến cáo tổ chức nghi lễ theo hình thức online. Chiều 14 tháng 7 âm lịch năm Canh Tý, thời gian cao điểm của các hoạt động nghi lễ theo quan niệm tháng cô hồn hoặc triết lý luân hồi, nhân sinh quan thời gian mở cửa ngục nhưng chùa nhỏ như chùa Trung Kính Hạ đến các phủ, chùa lớn như Phủ Tây Hồ, chùa Phúc Khánh… đều đóng cửa, dán dòng chữ khuyến cáo người dân không nên tụ tập đông người, thực hành nghi lễ tại gia để phòng dịch Covid-19.
Mâm cỗ báo hiếu dâng tổ tiên theo nét văn hóa ngày rằm tháng 7 trở nên ý nghĩa hơn. Truyền thông phản ánh tình trạng chủ cửa hàng bán vàng mã trên phố Hàng Mã ngáp dài chờ khách. Nhà lầu, xe hơi bằng giấy sản xuất ở làng Cót (Yên Hòa, Cầu Giấy) hay ở Phúc Am (Thường Tín)… ế chỏng chơ. Người đọc tiếp nhận thông tin thấy lâng lâng niềm vui. Bởi vì, sự hoang phí không cần thiết cho việc đốt vàng mã đã có tín hiệu vui. Những hành động báo hiếu, tri ân, giúp người khó vì thế thiết thực hơn.
Không đến chùa đội mâm lễ, thắp nén hương, người dân chọn đi chùa online. Một luồng ý kiến cho rằng việc đi chùa, vãn cảnh để cảm nhận sự thanh tịnh, yên bình, tránh được những xô bồ bên ngoài xã hội và cuộc sống thường nhật. Điều đó sẽ không thể nhận được với chùa online với những chữ số điện tử khô khan. Nhưng sự thanh tịnh đó chỉ đến được nếu bao quanh ngôi chùa, đền phủ không có màu sắc cuồng tín, rời bỏ được không khí ngột ngạt của cuộc sống, công việc… Nên đôi khi, ở nhà phòng dịch cũng là cách để người ta ngẫm lại văn hóa thực hành tín ngưỡng sao cho đúng và văn minh.