Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Bích họa trên phố Phùng Hưng: Cơ hội để di sản sống động hơn

Bài, ảnh: Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến hoàn thiện cuối tháng 11 tới, dự án Bích họa trên phố Phùng Hưng được nhiều người đánh giá sáng tạo và mở ra cơ hội đánh thức di sản gắn với khu phố cổ và những công trình tiêu biểu của Hà Nội.

Làm đẹp với vòm cầu

Ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (đơn vị chủ trì dự án Bích họa trên phố Phùng Hưng) cho biết, dự án được triển khai từ mặt vòm phía Đông ngã ba phố Phùng Hưng - Lê Văn Linh tới phố Hàng Cót, đoạn dẫn lên ga Long Biên. Dự án được hình thành trên cơ sở chương trình đưa nghệ thuật vào không gian sống do UN-Habitat (Chương trình Định cư Con người Liên Hợp quốc), Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc phối hợp với các TP tại Việt Nam thực hiện từ năm 2015. Trước khi làm đẹp phố Phùng Hưng, các nghệ sĩ Hàn Quốc từng hợp tác với nghệ sĩ Việt Nam biến ngôi làng Tam Thanh (Quảng Nam) thành làng bích họa.

Phác họa dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng”.

Qua 10 tháng ấp ủ, dự án với 19 tác phẩm của nghệ sĩ hai nước gợi nhắc lịch sử văn hóa của Hà Nội qua nhiều giai đoạn. Giám đốc UN-Habitat Nguyễn Quang nói rằng, mục đích của các chương trình đưa nghệ thuật vào cuộc sống nhằm “nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị, bởi chất lượng sống không phụ thuộc vào nhà cao tầng mà vào giá trị nhân văn”. Ông nhấn mạnh, những năm qua cư dân đô thị tăng lên nhanh, nhu cầu có những không gian nghệ thuật rất lớn. Những không gian này tạo ra sự tương tác giữa nghệ sĩ và công chúng, vừa hoàn thiện và làm phong phú thêm các tác phẩm, thúc đẩy sự hòa nhập. Ông Park Kyong Chul - Trưởng Đại diện Korea Foundation tại Hà Nội cho rằng, dự án chính là diễn đàn cho nghệ sĩ hai nước sáng tạo và là cơ hội đánh thức giá trị di sản.

Nghệ thuật vì cộng đồng

PGS.TS Dương Tuấn Anh - ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, dự án bích họa này là cần thiết “để khu di tích sống” trong lòng Hà Nội. Quan sát các tác phẩm, PGS.TS Dương Tuấn Anh thấy sự kế thừa, gợi nhắc những kỷ niệm về Hà Nội rất đặc trưng. Tuy nhiên một số tác phẩm cũng làm anh suy nghĩ, chẳng hạn, tác phẩm của Cấn Văn Ân vì cái bóng nhìn về quá khứ, trong khi hình ảnh người thực nằm dưới đường cho thấy cái gì đó đau khổ, mất mát và không có tương lai tốt đẹp. KTS Trần Huy Ánh lại cho rằng, “tranh của Cấn Văn Ân nếu tạo được ấn tượng là điều tốt. Có lẽ chúng ta trong cuộc sống nhìn thấy màu hồng quá quen mắt, một bạn sinh viên trẻ đã nói lên điều lo lắng cho tương lai với những thách thức, lấy lịch sử là bệ đỡ tương lai cũng là điều tốt. Tôi nghĩ chúng ta cần cách cảm nhận mở lòng mới đón nhận được các phẩm nghệ thuật đương đại”.

Cho rằng đây là cơ hội chín muồi để biến khu vực này thành tuyến cảnh quan, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Hà Nội nên khởi động dự án thành công việc cụ thể. "Về tầm nhìn đô thị, cảnh quan chung tôi chưa thấy rõ ý đồ của Hà Nội. Tôi nghĩ nên chọn toàn tuyến cảnh quan, phải có quan điểm nghệ thuật chứ không phải những bức tranh ghép lại với nhau” - PGS.TS Nguyễn Hồng Thục nói. Bà cũng cho rằng, nhiều bức tranh ẩn chứa lịch sử Hà Nội với tay nghề cao, nhưng cũng có những bức không phải đặc trưng Hà Nội mà lại gợi quá nhiều liên tưởng. Bà cũng góp ý, không nên lặp lại hình ảnh Hồ Gươm, chợ Đồng Xuân nằm ngay cạnh, cũng không nên tả thực quá.

Còn TS Đinh Hồng Hải - ĐH KHXH&NV Hà Nội nêu quan điểm, những dự án này sẽ cứu một phần Hà Nội trong tình cảnh di sản ngày càng bị đô thị hóa nhanh chóng. “Ở vùng lõi với sức ép đô thị lớn, tôi cho rằng mỗi cm đều là tiền cả. Chúng ta sử dụng không gian ấy đưa nghệ thuật vào phục vụ cộng đồng thì người dân phải được hưởng lợi từ dự án. Khi cộng đồng tham gia vào không gian này thì di sản sẽ được bảo tồn" - TS Đinh Hồng Hải nói.

Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Khoa học văn hóa (Văn phòng UNESCO tại Việt Nam) ủng hộ dự án bích họa phố Phùng Hưng và cho rằng, Hà Nội đang phát huy vai trò đi đầu trong nỗ lực tạo ra không gian đáng sống, tạo ra chất lượng cuộc sống của người dân đô thị.