Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án bỏ hoang, thiếu đất xây trường, chợ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án (DA) “treo” khá nhiều, song đất cho xây dựng các thiết chế công cộng như chợ dân sinh, trường học, nhà văn hóa (NVH)… lại thiếu, đó là thực trạng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Khu đô thị Mễ Trì Hạ do Công ty Tu tạo và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư vẫn chỉ là một bãi đất hoang. Ảnh: Hà Lâm
Khu đô thị Mễ Trì Hạ do Công ty Tu tạo và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư vẫn chỉ là một bãi đất hoang. Ảnh: Hà Lâm
Tuy nhiên, câu chuyện “đòi” đất chậm triển khai để xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu dân sinh vẫn còn không ít gian nan.

Cỏ dại um tùm

Nằm cách mặt đường lớn Phạm Hùng gần 100m là 2 khu đất mang ký hiệu CXTT và NT trong khu đô thị Mễ Trì Hạ với tổng diện tích 10.000m2 do Công ty Tu tạo và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư DA. Hai ô đất này trước đây được quy hoạch làm chợ dân sinh và trường học. Mặc dù đã có quyết định thu hồi từ năm 2002, song đến nay, phần lớn diện tích đất vẫn được quây tôn cho... cỏ dại mọc đầy. Không xa đó, cũng ngay mặt đường Phạm Hùng là diện tích đất trước đây được quy hoạch xây dựng Nhà hát Thăng Long. Sau khi DA Nhà hát Thăng Long được điều chuyển về quận Tây Hồ, khu đất được TP giao quận Nam Từ Liêm GPMB và quây tôn bảo vệ. Được biết, khu đất đã được giao lại cho các nhà đầu tư triển khai 2 DA, trong đó có DA xây dựng Tổ hợp Metro Polis Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, đây vẫn chỉ là một bãi đất hoang, đang được một cơ quan sử dụng làm bãi đỗ xe tạm và một số người dân tận dụng mở dịch vụ rửa ô tô, xe máy.

Các DA quây tôn, chậm triển khai tràn lan không chỉ là thực tế diễn ra tại phường Mễ Trì. Theo thông tin từ UBND quận Nam Từ Liêm, tính đến tháng 4/2015, trên địa bàn quận có 22 DA chậm GPMB, không đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng; 31 DA chậm tiến độ thực hiện 24 tháng so với DA đầu tư được phê duyệt. Đáng chú ý, nhiều DA có quyết định thu hồi đất gần 15 năm nhưng đến nay vẫn chưa triển khai như DA xây dựng văn phòng và cửa hàng giới thiệu sản phẩm (chung cư 99 Trần Bình) của Công ty TNHH Đức Phương, DA xây dựng trụ sở làm việc Công ty Xây dựng phát triển dân tộc và miền núi do Công ty CP Xây dựng và Phát triển đầu tư Thăng Long làm chủ đầu tư…

Ông Nguyễn Văn Tứ - Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, DA “treo”, chậm thực hiện đã gây ra rất nhiều hậu quả. Đó là lãng phí đất đai, gây khó khăn cho quận trong GPMB các DA khác. Bên cạnh đó, việc các DA lấy đất rồi bỏ hoang, người dân không có đất sản xuất, sinh hoạt gây nhiều khiếu kiện. Một vấn đề quan trọng nữa là trong khi DA lấy đất để đó thì việc “đòi” đất để xây dựng các thiết chế công cộng như trường học, chợ, NVH… phục vụ người dân lại rất khó khăn.

Người dân bức xúc
Trong năm 2014, quận Nam Từ Liêm đã thực hiện 4 quyết định thu hồi đất: 1,5ha của Tập đoàn Dầu khí tại phường Phú Đô, 0,6ha của Tổng Công ty Đầu tư nhà - Bộ Quốc phòng, 0,5ha của Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà, 0,67ha của Công ty Đầu tư bất động sản Hồng Ngân.

Trong khi “thừa” các DA chậm triển khai thì các thiết chế công trên địa bàn quận lại thiếu trầm trọng. Nhiều địa phương rơi vào tình trạng “trắng” trường, chợ dân sinh. Cụ thể, tại phường Cầu Diễn, khi chia tách huyện Từ Liêm thành 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm (1/4/2014), phường này có duy nhất một trường tiểu học, còn lại là "4 không": Không trường mầm non công lập, không trường THCS, không chợ dân sinh, không trung tâm văn hóa phường… Đến nay, với sự quyết liệt của quận Nam Từ Liêm và các đơn vị liên quan, quận đã thu hồi được một số khu đất để xây dựng trường mầm non, THCS và NVH cho một số tổ dân số trên địa bàn Cầu Diễn. Không chỉ thiếu trường học, nhiều phường như Mễ Trì, Mỹ Đình… cũng rất thiếu chợ dân sinh. Tại Mễ Trì, năm 2014, UBND quận Nam Từ Liêm đã sắp xếp được 3 chợ tạm phục vụ nhu cầu dân sinh và hạn chế tình trạng chợ cóc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường là Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng và một chợ tạm trên đường Lương Thế Vinh. Để sắp xếp được 3 chợ này, UBND quận đã phải mượn tạm đất của các DA chưa triển khai hoặc các công trình nằm trong quy hoạch sẽ được triển khai trong thời gian tới. Và hành trình đi tìm đất để xây chợ tại phường này vẫn còn không ít gian nan.

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Thực hiện việc giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm, tụ điểm kinh doanh trái phép trên địa bàn, UBND quận đã có chủ trương tìm các vị trí phù hợp để xây dựng các chợ tạm, tổ chức quản lý nhằm duy trì tốt tình hình an ninh, trật tự, ATGT, VSMT và phục vụ nhu cầu dân sinh. Tuy nhiên, một số phường hiện không còn quỹ đất, không có quy hoạch chợ dân sinh và chưa tìm được vị trí phù hợp để thực hiện chủ trương”. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều người dân tiếp tục kiến nghị việc thu hồi những DA chậm triển khai, DA “treo” nhiều năm để đầu tư xây dựng các thiết chế công cộng phục vụ người dân. Mới đây, UBND quận Nam Từ Liêm và Sở QH - KT, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đã có buổi làm việc thảo luận về vị trí 30 điểm xin chấp thuận địa điểm để xây dựng các thiết chế công trên địa bàn quận như trường mầm non, tiểu học, THCS, trạm y tế, NVH, điểm sinh hoạt cộng đồng, trụ sở UBND phường… trên địa bàn.

Một thực tế bất hợp lý đang tồn tại trên địa bàn quận Nam Từ Liêm là trong khi có rất nhiều diện tích đất công mang tên "DA" đã được thu hồi nhưng "đắp chiếu", bỏ hoang từ nhiều năm nay thì những cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu dân sinh thiết yếu lại thiếu do không có... đất (!). Cán bộ và Nhân dân quận Nam Từ Liêm rất mong các cấp, ngành có liên quan vào cuộc giải quyết triệt để tình trạng lãng phí này, đồng thời đáp ứng nhu cầu, quyền và lợi ích chính đáng về các thiết chế công của người dân.
Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Tứ:
Tìm đất xây chợ cho dân
Ngay sau khi tách huyện Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm đã nhận ra sự cần thiết phải có các thiết chế công đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân. Chúng tôi đã khởi đầu chương trình đi tìm đất đai, chấp thuận địa điểm để xây dựng các DA hạ tầng dân sinh. Trong chương trình đầu tư từ nay đến năm 2020, quận cố gắng ít nhất mỗi phường có một chợ dân sinh. Hiện, chúng tôi đang báo cáo TP về kế hoạch này. Đến nay, nhiều phường đã được TP chấp thuận về mặt địa điểm. Vì thế, nhiều chợ dân sinh sẽ được quận khởi công xây dựng ngay trong năm 2015.
Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì Hứa Đức Minh:
Nhu cầu về các thiết chế công vẫn thiếu
Hiện nay, UBND quận Nam Từ Liêm đã được sự đồng ý của TP về việc xây dựng một số NVH trên địa bàn phường Mễ Trì. Cụ thể, chúng tôi đã khởi công được 3 NVH phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân. Tuy nhiên, nhu cầu về các thiết chế công hiện vẫn rất thiếu. Đến nay, Mễ Trì vẫn chưa có trường THPT, chưa có quy hoạch chợ dân sinh… phù hợp với điều kiện cũng như mức sống của người dân. Thời gian qua, chúng tôi đã rà soát các khu đất và có kiến nghị lên các cấp cao hơn về việc chấp thuận vị trí để xây dựng chợ, NVH… Người dân Mễ Trì rất mong các công trình phục vụ nhu cầu dân sinh bức thiết này sẽ sớm được chấp thuận và triển khai.
Tổ trưởng Tổ dân phố số 5 Mễ Trì Hạ Đỗ Huy Hùng:
Mong được quy hoạch đầy đủ
Người dân chúng tôi hiện rất bức thiết do thiếu trường học, NVH cũng như chợ dân sinh. Xung quanh Mễ Trì Hạ hiện có rất nhiều siêu thị cao cấp nhưng bà con không đủ điều kiện kinh tế để mua sắm ở đó. Mễ Trì hiện có 3 chợ tạm nhưng đều “mượn đất” từ các DA chưa triển khai. Quy hoạch chợ dân sinh tại khu đất thuộc Khu đô thị Mễ Trì Hạ thì hơn 5 năm nay vẫn “án binh bất động”. Con cháu chúng tôi phải đi học xa tận Xuân Đỉnh, Cầu Diễn hay Trung Văn… Nói chung là rất vất vả. Mong muốn của chúng tôi là được quy hoạch đầy đủ các chợ, NVH cũng như các thiết chế dân sinh trên địa bàn phường để sinh hoạt thuận tiện hơn.