Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án cải tạo, nâng cấp đường 23B giai đoạn I dang dở đến bao giờ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án (DA) cải tạo, nâng cấp đường 23B giai đoạn I từ Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì đến Nghĩa trang Thanh Tước được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2009. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2010, nhưng đến nay, sau hơn 6 năm, DA vẫn dang dở.

Đất bỏ hoang, dân không có ruộng

Theo ghi nhận của phóng viên, phần DA thuộc địa bàn huyện Mê Linh dài khoảng 10,75km đi qua 4 xã: Tiền Phong, Mê Linh, Đại Thịnh, Thanh Lâm. Sau nhiều năm triển khai, đến nay, nhiều hạng mục công trình vẫn còn dang dở, ảnh hưởng lớn tới việc đi lại, sản xuất của Nhân dân. Cụ thể, tại công trường DA, cát sỏi ngổn ngang, cỏ dại mọc um tùm, nhiều khối sắt thép, trụ bê tông, hoen rỉ theo thời gian. Những phần đường đã trải nhựa được người dân tận dụng phơi thóc lúa, rơm rạ, thậm chí là nơi đổ rác thải, phế thải… Hỏi chuyện nhiều người dân đang thu hoạch lúa trên những phần đất nông nghiệp ven DA được biết, 2 năm qua, gần như DA nằm "đắp chiếu". Việc DA chậm triển khai khiến sản xuất nông nghiệp của bà con bị ảnh hưởng, do hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng bị chia cắt.  
 
Sau hơn 6 năm, dự án cải tạo, nâng cấp đường 23B giai đoạn I vẫn dang dở.
Sau hơn 6 năm, dự án cải tạo, nâng cấp đường 23B giai đoạn I vẫn dang dở.
Bà Tạ Thị Phương Liên – cán bộ Ban Bồi thường, GPMB huyện Mê Linh cho rằng, người dân có lý do để bức xúc, bởi thu nhập từ nghề nông chưa cao nhưng nay vì DA, đồng ruộng bỏ hoang hóa nhưng lại không có đất để sản xuất. Trong khi đó, một số DN có đất thuộc diện phải GPMB cho DA đã đồng ý với quyết định thu hồi của UBND TP, nay lại phải nhìn những thửa "đất vàng”… nằm đấy cho cỏ dại mọc um tùm. Bà Liên cũng bày tỏ quan ngại, đối với những phần diện tích đất thu hồi cho DA chưa sử dụng, địa phương vẫn tổ chức quản lý nhưng nguy cơ tái lấn chiếm là rất cao. Mặt khác, việc chậm thực hiện bồi thường, GPMB sẽ gây khó khăn cho công tác chi trả về sau.

Chưa có bản đồ thu hồi đất

Bên cạnh việc DA chậm triển khai khiến ruộng đất đã thu hồi bị bỏ hoang, gây lãng phí và bức xúc trong Nhân dân, nhiều diện tích đất khác thuộc diện “cần được thu hồi” phục vụ cho DA hiện chưa thể tiến hành GPMB. Theo ông Đào Trọng Phú – Trưởng ban Bồi thường, GPMB huyện Mê Linh,  nguyên nhân của việc này là do đến tháng 6/2015, Ban Quản lý DA giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) – đơn vị chủ đầu tư DA, vẫn chưa cung cấp bản đồ chỉ giới thu hồi đất thực tế, chưa xác định cụ thể diện tích đất thu hồi của từng đơn vị và chưa có bản đồ chỉ giới thu hồi phần diện tích đất liên quan đến khu dân cư. Do vậy, UBND huyện Mê Linh không có cơ sở để phê duyệt trả kinh phí cho các đơn vị và tổ chức điều tra, khảo sát, lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB phần diện tích đất thu hồi theo quy định.

Được biết, từ năm 2013 đến nay, UBND huyện Mê Linh đã nhiều lần có văn bản gửi Sở GTVT đề nghị phối hợp giải quyết vướng mắc trong GPMB DA, nhưng đến nay vẫn không có chuyển biến. Như ông Phú thông tin, 2 năm qua, Ban Quản lý DA giao thông đô thị không có động thái gì thúc đẩy tiến trình của DA (?).

Liên quan tới DA, ngày 15/7/2015, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh đã có văn bản yêu cầu Sở GTVT phối hợp với huyện Mê Linh khẩn trương giải quyết vướng mắc trong thực hiện công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA. Hy vọng, với động thái chỉ đạo cụ thể này của lãnh đạo TP, các đơn vị liên quan sẽ vào cuộc quyết liệt và có trách nhiệm hơn, nhằm tháo gỡ những bất cập hiện nay, phấn đấu đưa DA về đích trong năm 2016.

 
Đường 23B là tuyến đường huyết mạch nối thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) với TP Hà Nội. Đây là một trong những tuyến đường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mê Linh nói riêng, TP Hà Nội nói chung. Theo đó, ngày 1/4/2009, UBND TP đã có Quyết định số 1500/QĐ-UBND phê duyệt DA cải tạo, nâng cấp đường 23B giai đoạn I với tổng chiều dài 12,48km, chạy qua địa bàn 2 huyện Mê Linh (10,75km) và Đông Anh (1,73km). Sở GTVT Hà Nội được TP giao là chủ đầu tư DA.