Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam: Cần thiết nhưng phải thận trọng

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc là điều cần thiết cho sự phát triển của một quốc gia, nhưng đó là câu chuyện của tương lai. Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia.

 Các chuyên gia nhận định, cần nghiên cứu thật kỹ trước khi quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Vừa qua, đơn vị tư vấn đã có báo cáo tiền khả thi về Dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều ý kiến tranh luận về thời điểm cũng như phương án triển khai dự án này. Đặc biệt trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang gặp khó khăn trong khi tiềm lực của các loại hình giao thông, vận tải khác vẫn còn rất lớn.
Nhà nước cũng là nhà đầu tư

Trong Hội nghị báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vừa được tổ chức, đại diện tư vấn cho biết, hiện vận tải bằng đường bộ đang chiếm 72% hành khách và 59% hàng hóa; đường hàng không chiếm 22% hành khách; đường thủy chiếm 39,5%. Trong khi đó, đường sắt hiện chỉ chiếm 6% hành khách và 1,4% hàng hóa. Đây là con số rất khiêm tốn.
Theo tôi, lúc này chưa nên làm ngay mà cần tập trung củng cố, khai thác tất cả những hệ thống giao thông đã có. Điều này giúp tận dụng triệt để nguồn lực hiện hữu trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang còn khó khăn như hiện nay.

TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, đường sắt hiện hữu đang trong tình trạng xuống cấp và tai nạn xảy ra nhiều. Còn các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia... đều đã có đường sắt tốc độ cao. Thậm chí, 2 nước láng giềng là Lào và Campuchia, cũng đang trong quá trình xây dựng đường sắt tốc độ cao. Đại diện tư vấn cho rằng, nếu Việt Nam không sớm triển khai xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ không thể cạnh tranh được với các nước bạn.

Theo báo cáo tiền khả thi, tổng mức đầu tư của Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam ước tính 58,71 tỷ USD, nhu cầu sử dụng đất 7.875ha. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP (vốn Nhà nước 80% để đầu tư hạ tầng, vốn nhà đầu tư 20% để mua sắm đoàn tàu). Nhà nước sẽ cần huy động hàng năm 0,35 - 0,55% GDP, bằng khoảng 10% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Bộ GTVT cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sẽ trình Quốc hội vào tháng 10/2019. Nếu được Quốc hội thông qua, dự án sẽ chuyển sang bước nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, GPMB từ 2020 - 2025. Đến năm 2032 sẽ đưa vào khai thác đoạn ưu tiên và phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2050. Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, quan điểm của Bộ là Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ không áp dụng hình thức đầu tư BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) mà sẽ lựa chọn hình thức đầu tư khác phù hợp hơn. Trong đó ưu tiên phương án Nhà nước tham gia đầu tư hạ tầng còn nhà đầu tư sẽ đầu tư và khai thác đầu máy toa xe.

Phải nghiên cứu thật kỹ

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) khẳng định, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là điều cần thiết cho sự phát triển của đất nước nhưng đó là câu chuyện của tương lai. “Song ở thời điểm hiện tại chưa đến lúc cần thiết phải đầu tư ngay” - ông Nguyễn Hữu Đức nói và cho biết thêm, với tốc độ phát triển như hiện nay, trong khoảng thời gian từ 30 – 50 năm nữa Việt Nam mới cần tới tuyến đường sắt này. Chuyên gia của JICA đưa ra quan điểm, đối với Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, điều cần thiết nhất phải làm hiện nay là nghiên cứu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định. Bởi, thực tế từ trước đến nay ở Việt Nam cho thấy, có nhiều dự án đầu tư bị kéo dài thời gian và đội vốn mà một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ chính việc nghiên cứu không kỹ. “Trước đây, chúng ta hay thực hiện theo kiểu trên có chủ trương và dưới phải thực hiện. Điều này dẫn tới tình trạng, trong nghiên cứu khả thi và tiền khả thi của các dự án đó đều nhấn mạnh tới sự cần thiết phải đầu tư. Nhưng bây giờ không nên vội mà phải nghiên cứu thật kỹ” - ông Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh .

Một vấn đề khác được nhiều chuyên gia chỉ ra là hiện nay ngành đường sắt của Việt Nam đang đi xuống quá nhiều. Do đó, bên ngành đường sắt cũng đang rất kỳ vọng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ trở thành một cú hích lớn thúc đẩy sự phát triển của ngành này. Như chuyên gia của JICA đánh giá, kỳ vọng trên là hoàn toàn có cơ sở, song việc có thành hiện thực hay không là cả một vấn đề. “Dự án này cần tập trung xây dựng ở mức nghiên cứu trước đã. Đến khi nghiên cứu kỹ và có kết quả, chúng ta sẽ thấy được nên làm khi nào và làm theo phân kỳ như thế nào chứ đừng quyết định vội vàng ngay” - ông Nguyễn Hữu Đức nhận định.

Đồng quan điểm, TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trước sau kiểu gì cũng phải làm bởi trong bối cảnh hội nhập quốc tế, muốn đưa năng suất vận tải hàng hóa, hành khách lên nhất thiết phải đầu tư phát triển đường sắt. Nhưng thời điểm đầu tư khi nào và phương pháp đầu tư ra sao là điều quan trọng nhất cần bàn đến. “Dự án này trước đã đưa ra bỏ phiếu rồi nhưng không được vì chưa thống nhất với nhau về phương pháp và thời điểm. Nhất là thời điểm chúng ta đang cần vốn để đầu tư cho các lĩnh vực khác” - ông Cao Sỹ Kiêm nhìn nhận. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính nhận định, hiện nay, hạ tầng giao thông, trong đó có hạ tầng đường sắt hiện hữu vẫn chưa khai thác hết khả năng, chưa quản lý tốt. Do đó, điều đầu tiên là cần khai thác tối đa hạ tầng sẵn có trước khi nghĩ đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng mới.
Để kêu gọi được nhà đầu tư, Nhà nước sẽ có các phân tích, đánh giá chào mời nhà đầu tư. Nhà đầu tư cũng phải đánh giá năng lực của mình, khả năng thu hồi vốn của dự án mới đầu tư. Phần vốn kêu gọi tư nhân đầu tư chỉ chiếm 10 - 20% tổng vốn dự án. Đây là kinh nghiệm thế giới, mức đó đảm bảo bài toán tài chính, hiệu quả kinh tế đủ sức thu hút nhà đầu tư”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông