Bài học từ thất bại của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có giá hàng tỷ đô la. Nó quá đắt và là một sự lãng phí lớn, nhất là trong bối cảnh đất nước còn nghèo. Đáng nói hơn, không chỉ vì thiếu kinh nghiệm, thiếu trình độ, năng lực mà Bộ GTVT còn thiếu cả trách nhiệm khiến cho đại dự án này đã 8 năm trôi qua kể từ thời điểm khởi công, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dù đã thành hình, nhiều lần hứa hẹn, nhiều lần lùi mốc thời gian hoàn thành nhưng chưa thể đưa vào vận hành, trong khi vẫn phải trả lãi đều đều.
Người dân cứ khắc khoải đợi chờ; UTGT trên tuyến ngày một trầm trọng thêm; vốn đầu tư cho dự án năm lần bảy lượt đội cao hàng nghìn tỷ đồng. Rồi cả nỗi lo công trình phơi mưa nắng, chẳng biết chất lượng có còn đảm bảo hay không. Thậm chí nhiều người đã coi dự án này như một bảo tàng thất bại.
Chủ đầu tư dự án - Bộ GTVT quả thực đã thất bại ngay từ khi chuẩn bị đầu tư. Hiệu quả kinh tế của dự án được tính toán dựa trên những dự báo chưa lấy gì làm chắc chắn. Nguồn thu bù đắp thì bỏ quên chi phí vận hành. Hàng loạt quy định của pháp luật về đầu tư, mời thầu, điều chỉnh vốn… đã bị phá vỡ để phục vụ dự án. Nhưng đổi lại chỉ là lời hẹn chạy tàu cứ lùi mãi càng lúc càng xa. Mỗi một đồng tiền thuế thu từ người dân để trả nợ lãi, nợ gốc cho dự án đang bị sử dụng một cách vô nghĩa.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nên trước khi đổ lỗi, quy trách nhiệm cho nhà thầu Trung Quốc, Bộ GTVT cần xem xét lại trách nhiệm và hiệu quả công việc của chính mình. Là cơ quan tham mưu chính cho Chính phủ, đưa ra các kiến nghị từ chấp thuận đầu tư, lựa chọn nhà thầu cho đến tăng vốn, tăng nợ của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm chính về thất bại này. Nhưng trên hết là món nợ mà người dân cả nước đang phải gánh chịu cần phải có biện pháp giải quyết. Bộ GTVT cần nhìn thẳng vào bản chất của sự việc và phải sớm có hành động quyết liệt để không lãng phí thời gian cũng như tiền bạc của Nhà nước và Nhân dân.