Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Hướng tới mục tiêu lành mạnh hóa thị trường

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đóng vai trò là luật công bao trùm tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, nhưng Luật Cạnh tranh hiện hành đang bộc lộc nhiều điểm lạc hậu, cứng nhắc, không phù hợp với bối cảnh và xu hướng phát triển của nền kinh tế.

Việc góp ý dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm của đông đảo các DN và chuyên gia.

Luật “vênh” với thực tiễn

Góp ý tại Hội thảo Lấy ý kiến cho dự thảo hoàn thiện Luật Cạnh tranh (sửa đổi) do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/5, các ý kiến từ chuyên gia và DN đều thống nhất cho rằng cần sớm hoàn thiện sửa đổi Luật Cạnh tranh để xứng đáng là “luật gốc” về cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc sửa đổi cần hướng tới mục tiêu chống độc quyền, làm lành mạnh hóa thị trường.

Khách chọn mua hàng tại Siêu thị Big C. Ảnh: Phạm Hùng

Hiện, nhiều hành vi phản cạnh tranh mới, đa dạng chưa được điều chỉnh và dự liệu trong Luật Cạnh tranh hiện hành. Các hành vi hạn chế cạnh tranh mang tính tận thu, hoặc đóng cửa thị trường, loại bỏ đối thủ cạnh tranh được thực hiện dưới nhiều hình thức mới với mức độ tinh vi, phức tạp ngày càng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực dịch vụ và môi trường công nghệ. Trên thị trường hiện đã xuất hiện nhiều hành vi cạnh tranh như thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường tiêu thụ sản phẩm hay các giao dịch mua bán, sáp nhập được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhưng ảnh hưởng nhất định tới thị trường Việt Nam. Ví dụ như một số nhà sản xuất, phân phối và nhập khẩu hàng tiêu dùng có thể thỏa thuận ấn định giá xuyên biên giới để tăng giá bán tại thị trường Việt Nam gây tác động bất lợi tới người tiêu dùng và các DN không trực tiếp tham gia vào thỏa thuận đó. Nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập có giá trị giao dịch lớn được thực hiện bên ngoài lãnh thổ nhưng có tác động tới thị trường trong nước như: Thương vụ Tập đoàn Abbott mua lại Công ty dược phẩm CFR; Tập đoàn Boehringer Ingelheim International mua lại Sanofi SA trong lĩnh vực thuốc thú y; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại Hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam…

Ông Nguyễn Phương Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương thừa nhận, mặc dù trên thị trường đã xuất hiện nhiều hành vi phản cạnh tranh như trên và công luận cho thấy cần có sự can thiệp và điều chỉnh của cơ quan cạnh tranh. Tuy nhiên, pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý điều chỉnh các loại hành vi thực hiện ở ngoài lãnh thổ. Vì vậy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với những hành vi cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động hạn chế cạnh tranh tới môi trường kinh doanh của Việt Nam là cần thiết nhằm bảo vệ cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Phạm vi điều chỉnh mở rộng cũng phù hợp với xu hướng pháp luật cạnh tranh của nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Canada…

Sửa đổi là cần thiết

Góp ý về dự luật, bà Lê Phan Thùy Anh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Luật Cạnh tranh dù đã thực thi được 10 năm nhưng vẫn khó đi vào cuộc sống vì quá hàn lâm, khó hiểu. Cơ quan soạn thảo cần sửa luật theo hướng dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực thi và phải tăng cường tuyên truyền để mọi người cùng hiểu và thực hiện.

Ở góc độ DN, đại diện một công ty vận tải Hà Nội bức xúc cho biết, thực tế cạnh tranh hiện nay rất phức tạp nhưng Luật lại chưa sát thực tế. Đại diện DN này cho rằng hiện nay các hãng taxi truyền thống đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt của Uber và Grab: “Họ thường xuyên đưa ra các chương trình khuyến mại giảm giá khiến các hãng taxi dù đã đổi mới công nghệ, giảm giá cước 8.000 đồng/km nhưng vẫn không thể cạnh tranh. Tôi cho rằng đang có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa Grab, Uber và các taxi truyền thống, nhưng đến nay họ vẫn được hoạt động bình thường. Chúng tôi cần cơ quan quản lý làm rõ Grab và Uber vi phạm luật cạnh tranh hay không?”. Mặt khác, mức xử phạt cạnh tranh không lành mạnh hiện nay tối đa là 500 triệu đồng là quá nhẹ vì các hãng này là những tập đoàn khổng lồ, số tiền phạt này còn nhỏ hơn với số tiền họ bỏ ra khuyến mại cho khách hàng mỗi ngày. Theo ông ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cơ quan Nhà nước cần khiêm tốn và cầu thị để giải quyết các vấn đề cạnh tranh.

Tiếp thu các ý kiến, ông Nam cho biết dự luật đang được định hướng sửa đổi để gần gũi với thực tiễn, tuy nhiên vì đây là một Luật khó và có nhiều vấn đề mới nên cơ quan chấp bút soạn thảo sẽ còn cần thêm nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng DN, người dân và các chuyên gia để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét.

Nếu thực sự Uber và Grab làm khuyến mại liên tục thì phán xét về chuyên môn là vi phạm, nhưng ở mức độ nào thì cơ quan quản lý hiện nay cũng chưa thể trả lời mà cần có các chuyên gia phân tích, mổ xẻ.

Ông Nguyễn Đức Thành

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách