Kinhtedothi - Ngày 30/9, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự án Luật Tổ chức Chính phủ và Dự án Luật Chính quyền địa phương. Đây là 2 dự luật lần đầu được trình ra UBTV Quốc hội, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, các quy định đưa ra vẫn chung chung, không rõ ràng.
Phân quyền cụ thể để rõ trách nhiệm
Các quy định trong Dự án Luật Tổ chức Chính phủ bị cho là "chưa mới nhiều trong phân định thẩm quyền Thủ tướng, Chính phủ, các thành viên Chính phủ". Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện bày tỏ sự không hài lòng khi một số điều mới chỉ dừng ở mức "mô tả Hiến pháp, thậm chí có quy định mô tả không bằng Hiến pháp". Trong khi đó, vai trò thực hành quyền hành pháp của Chính phủ là rất quan trọng nhưng Dự Luật chưa có quy định nào thể hiện kiểm soát quyền lực.Cũng nhấn mạnh đến yêu cầu luật phải cụ thể hóa Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng: Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong Dự Luật chưa tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ tướng Chính phủ vừa với tư cách là người đứng đầu Chính phủ vừa với tư cách là thiết chế hiến định có thẩm quyền riêng. Do đó, nên xây dựng một Chương quy định cụ thể hóa được quyền và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị làm rõ vai trò của Chính phủ trong bảo vệ Hiến pháp cũng như cụ thể trách nhiệm: "Có thẩm quyền đi với có trách nhiệm. Nói về quyền nhưng trách nhiệm không thấy nói. Trách nhiệm thi hành Hiến pháp, mà thi hành không tốt thì có chịu trách nhiệm không, chịu trách nhiệm trước ai? Mối quan hệ với Chủ tịch nước mới nói một chiều".
Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần tập trung làm rõ: Thế nào là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất? Thực hiện quyền hành pháp ở những điểm nào?... Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng: Giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thẩm quyền phải rành mạch. Phải phân định chuyên môn hóa chứ không phải thứ trưởng cứ giúp việc còn dồn trách nhiệm lên bộ trưởng".
“Tổ chức Chính quyền địa phương” chưa rõ ràng
Chiều cùng ngày, thảo luận về Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, các thành viên UBTV Quốc hội nhận định, đây là dự luật phức tạp, nhưng cách thể hiện lại chưa rõ ràng, khó hiểu. Trong đó, mô hình tổ chức chính quyền địa phương được coi là nội dung quan trọng nhất của Dự Luật, quyết định đến các vấn đề khác như nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương, người đứng đầu…, nhưng Dự Luật cũng mới chỉ dừng ở việc đưa ra 2 phương án: Có tổ chức HĐND ở tất cả các cấp và không có tổ chức HĐND ở cấp quận, phường.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng: Đây là vấn đề hệ trọng của quốc gia, nên phải được cân nhắc thận trọng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng thí điểm một số nội dung về tổ chức chính quyền đô thị và kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường.
Nhận xét Tờ trình chưa lý giải thấu đáo vì sao không tổ chức HĐND ở quận, phường trong khi các đơn vị hành chính tương đương khác cũng có tính chất đô thị (TP, thị xã, thị trấn) vẫn tổ chức HĐND, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: Tờ trình của Chính phủ phải làm rõ ưu, nhược điểm của từng phương án để làm cơ sở cho Quốc hội thảo luận và quyết định. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị: Phải phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của UBND và HĐND; quyền của chủ tịch UBND nơi có HĐND với chủ tịch UBND nơi không có HĐND…
Nêu lên những vấn đề còn nhiều băn khoăn quanh Dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho rằng: Chính vì mô hình tổ chức chính quyền không rõ, vì thế những quy định khác cũng không rõ. Tại sao đã thí điểm mô hình không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường, xã nhưng phương án Dự Luật đưa ra lại chỉ bỏ HĐND ở xã, phường; sao không bỏ ở quận, huyện, còn lại giữ ở tất cả xã, phường? Trong TP trực thuộc tỉnh, ranh giới giữa phường và xã không khác biệt lắm, do đó đọc Dự Luật khó hình dung được chính quyền địa phương rồi sẽ như thế nào.
UBTV Quốc hội đề nghị ban soạn thảo rà soát tất cả những quy định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp để cụ thể hóa rõ ràng vào Luật. Đồng thời, lưu ý đến tính thống nhất với các luật về tổ chức và luật liên quan. Dự Luật này sau khi trình ra Quốc hội thảo luận lần đầu sẽ tiếp tục được trình Ban chấp hành T.Ư Đảng xem xét.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
|