Nhiều ý kiến cho rằng, du lịch luôn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng thời gian qua tư duy cách làm còn lúng túng, Dự Luật lại không đảm bảo được hai yếu tố là phát triển và quản lý Nhà nước.
Ngành du lịch phải “nuôi được mình”
Nhiều ĐB đặt vấn đề du lịch Việt Nam có lợi thế rất lớn so với các quốc gia khác trong khu vực, nhưng số lượng khách du lịch đến Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn. Ngân sách Nhà nước đầu tư rất nhiều, nhưng tiền thu lại được thì không tương xứng. Luật cần những quy định tác động tích cực đến chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhưng ngay trong tiếp cận khái niệm du lịch, Dự Luật cũng rất đơn giản, linh hồn là chính sách phát triển du lịch nhưng lại chưa đủ rõ, chưa đủ minh bạch. ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thẳng thắn: Nhiều du khách quốc tế không quay trở lại Việt Nam vì nỗi lo thực phẩm không an toàn, thái độ phục vụ và giá cả "chặt chém"… Do đó, cần phải tập trung đầu tư vào hai yếu tố là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Cũng chia sẻ quan điểm này, ĐB Phan Việt Cường (đoàn Quảng Nam ) cho rằng: Nhà nước có thể chọn một số địa phương có lợi thế về du lịch để đầu tư, từ đó nhân rộng mô hình cho cả nước. Chúng ta làm sao tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ở lại lâu hơn và tiêu cho hết tiền.
Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an đề xuất, cần phải xã hội hóa nhiều hơn nữa trên lĩnh vực du lịch. Ngành du lịch phải tự nuôi được mình và phải đóng thuế, xây dựng lại cơ sở hạ tầng, nhưng hiện đang được miễn giảm nhiều, rồi có cả quỹ bình ổn du lịch. Điện, đường được Nhà nước đầu tư, khách nước ngoài vào sử dụng nhưng lại không thu được nhiều tiền. “Kinh tế mũi nhọn mà ngân sách nhà nước lại bỏ ra? Riêng cái hạch toán đó tôi thấy rất băn khoăn” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Lữ hành, không nên để quy định mở
Đó là vấn đề được nhiều ĐB đặt ra khi góp ý cho quy định liên quan đến hoạt động lữ hành trong Dự Luật. Theo ĐB Phạm Quang Thanh (đoàn Hà Nội): Đây là một dạng kinh doanh có điều kiện, phải được cấp phép, vì liên quan đến con người, ngoại giao, an ninh quốc gia. Nhưng những quy định trong Dự Luật còn khá mở và đơn giản. Người hoạt động kinh doanh lữ hành phải am hiểu về hoạt động lữ hành, hiểu tính chất hoạt động du lịch và phải có kiến thức pháp luật, kiến thức xử lý các tình huống có liên quan, phải được đào tạo. Nên giữ nguyên quy định về kinh doanh lữ hành như cũ. Giữa hoạt động của các công ty lữ hành trong nước và quốc tế cần đảm bảo công bằng và kinh doanh lành mạnh.
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Nếu giữ như Dự Luật thì ai cũng có thể mở được DN lữ hành, miễn là có tiền, làm phức tạp thêm tình hình kinh doanh lữ hành ở nước ta. Có nhiều vấn đề liên quan đến lữ hành mà chưa xử lý được một cách rốt ráo, hiệu quả, như người nước ngoài núp bóng người Việt Nam để hoạt động du lịch tại Việt Nam, hay tình trạng nhái các thương hiệu đang diễn ra. Đề xuất quy định các điều kiện kinh doanh lữ hành phải chặt chẽ hơn, đảm bảo các hoạt động này được kiểm soát.
Liên quan đến quy định về hướng dẫn viên du lịch, trước thực tế có tình trạng người nước ngoài sang du lịch Việt Nam, sau đó ở lại hành nghề hướng dẫn viên du lịch, không kiểm soát được những thông tin họ trao đổi với du khách, các ĐB thống nhất quan điểm: Người Việt Nam mới được xem xét cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam nếu đủ các điều kiện theo quy định, người nước ngoài không được hoạt động du lịch tại Việt Nam.
Cần có cảnh sát du lịch
Một vấn đề mới cũng được đề cập và nhận được sự đồng tình của các ĐB là việc thành lập lực lượng chuyên trách hỗ trợ, bảo vệ du khách. Tuy nhiên, nếu lực lượng này vẫn giữ vai trò như thanh tra du lịch, thanh tra văn hóa trước đây thì "khó đảm đương yêu cầu công việc". Do đó, nhiều ĐB cho rằng, để tránh tình trạng khách quốc tế tới Việt Nam gặp phải tình trạng gây rối, chèo kéo..., khiến nhiều người "một lần tới Việt Nam rồi không quay trở lại", việc lập cảnh sát du lịch sẽ góp phần xóa những bất cập ấy. Lực lượng này không nên "nằm" ở Sở Du lịch địa phương mà nên đưa về Bộ Công an quản lý nhằm đảm bảo tính thực thi cao hơn.
Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đào Thanh Hải cho biết, trước đây, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương đã nhiều lần dự định hình thành lực lượng này "đóng chốt" ở một số địa bàn trọng điểm về du lịch, nhưng chưa thực hiện được. Ban soạn thảo Dự Luật trong quá trình xây dựng có thể tham khảo kinh nghiệm từ hoạt động của cảnh sát du lịch một số nước trong khu vực, đơn cử như Thái Lan.
Tuy nhiên cũng có ĐB lo ngại trước việc thành lập cảnh sát du lịch sẽ khiến phình to biên chế. Nên thay vì lập mới nên "xốc" lại và tăng trách nhiệm của đội ngũ công an hiện có vào công tác bảo vệ du khách.
Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thủy lợi; nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ.
Hình ảnh chung của du lịch Việt Thượng tướng Tô Lâm Bộ trưởng Bộ Công an |