Đây là Dự luật nhận được nhiều sự quan tâm và nhiều ý kiến cho rằng, luật cần đặc biệt tập trung vào các biện pháp công khai, minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập.
Nhiều điểm mới
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, từ tầm quan trọng của biện pháp minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập trong PCTN, Dự Luật đã dành một chương riêng với nhiều quy định mới nhằm hướng tới việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức quyền. Về nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, quy định rõ hơn khi yêu cầu phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Đồng thời, mở rộng căn cứ xác minh tài sản, thu nhập so với quy định hiện hành như khi có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai không trung thực, không minh bạch hoặc khi có tăng, giảm bất thường về tài sản, thu nhập, chi tiêu mà không giải trình hợp lý; khi có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập; quy định việc xác minh bắt buộc với những người dự kiến bầu, bổ nhiệm, phân công giữ chức vụ và hưởng phụ cấp trách nhiệm từ 0,9 trở lên và các vị trí khác do Chính phủ quy định nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính...
Dự Luật cũng siết chặt quy định cán bộ, công chức, viên chức trong sở hữu cổ phần trong DN như cán bộ, công nhân viên chức chỉ được sở hữu dưới 10% cổ phần của DN thay vì chỉ cấm họ thành lập, tham gia thành lập, quản lý, điều hành DN như luật hiện hành. Đặc biệt, Dự Luật bổ sung thêm mục xây dựng chế độ liêm chính, trong đó quy định Quy tắc ứng xử đối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đáng chú ý là Dự Luật quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí “người nhà”, “người thân” công tác về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho. Người đứng đầu và cấp phó cũng không được để người thân làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý hoặc trực thuộc hoặc mua bán hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Cùng với đó, Dự Luật mở rộng đối tượng người thân của lãnh đạo…
Mấu chốt là kiểm soát tài sản
Quy định liên quan đến kê khai tài sản là một vấn đề được nhiều ý kiến cho là “mấu chốt” của Dự Luật. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận: Một trong các hạn chế của luật hiện hành là các quy định về minh bạch tài sản chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập. Còn vướng mắc về trình tự, thủ tục công khai bản kê khai tài sản vào mục đích ngăn ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Thiếu quy định về việc xử lý tài sản không được giải trình một cách hợp lý…
Tuy nhiên, những quy định liên quan đến vấn đề này trong Dự Luật vẫn gây nhiều quan điểm băn khoăn. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền nhận định: Một trong những điều khó khăn nhất của công tác PCTN là kiểm soát tài sản. "Tham nhũng là tội phạm ngầm, tội phạm ẩn. Ở các nước có Luật Kiểm soát tài sản nên khi dịch chuyển tài sản, họ biết ngay. Còn Việt Nam xây dựng luật này trong điều kiện chưa kiểm soát được tài sản, tức là vẫn vô phương trong PCTN" - ông Quyền nhấn mạnh. Đồng thời khẳng định, việc xác minh tài sản là câu chuyện lớn. Với hàng triệu đối tượng kê khai và cách làm như hiện nay là chỉ công khai nội bộ, khi có tố cáo mới tiến hành xác minh… thì việc kê khai này rất hình thức.
ĐB Quốc hội Nguyễn Văn Hùng cũng bình luận: "Minh bạch, kiểm soát tài sản là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta rất khó làm nếu vẫn cứ quy định kê khai mà không xác minh. Bây giờ phải có điểm chốt là kê khai thì phải xác minh". Đồng thời cho rằng, Dự Luật vẫn quy định khi có dấu hiệu thiếu trung thực, rồi có đơn thư tố cáo thì mới xác minh thì không tạo được đột phá.