Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Luật Thư viện: Kỳ vọng thúc đẩy văn hóa đọc

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hướng đến người đọc chứ không chỉ phục vụ quản lý, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận kiến thức, thông tin và thúc đẩy sự phát hiện của hệ thống thư viện hiện đại. Đó là những mục tiêu được kỳ vọng khi Dự án Luật Thư viện vừa được trình ra Thường vụ Quốc hội.

Người đọc phải là trung tâm
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội Phan Thanh Bình, Pháp lệnh Thư viện sau 18 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ làm thay đổi cả về cách tiếp cận thông tin của người dân và tổ chức, quy trình, phương thức hoạt động của thư viện.
Ở nước ta, hệ thống thư viện, nhất là thư viện công cộng hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân. Thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức. Văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới.
 Các độc giả tại phố sách Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Dự Luật lần này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tỷ lệ người sử dụng dịch vụ ở các thư viện tăng lên. Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: Dự Luật vẫn chưa đánh giá tác động, đặc biệt đánh giá số lượng người sử dụng dịch vụ thư viện cung cấp là bao nhiêu và sau khi Luật ra đời tỷ lệ này là bao nhiêu. Trong khi, Luật ra đời có thành công hay không là ở điểm đó.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu ý kiến, nhìn ra thế giới cũng thấy rằng, số người đọc sách ở thư viện giảm, trong khi số lượng người đọc qua thư viện số, internet, Google đang tăng và có thời gian đọc lâu hơn. Phải chăng đây là dấu hiệu của việc suy giảm hay là khởi đầu mới cho các thư viện? Vấn đề này cần được đánh giá để định hướng xây dựng thư viện trong tương lai.
Nhiều ý kiến chỉ ra, rất nhiều tỉnh xây dựng thư viện rất đẹp, huyện cũng dành những vị trí rất trang trọng cho thư viện, nhưng đích đến của thư viện là người đọc; tư liệu, tài liệu phải phát huy tác dụng. Do đó, Dự Luật không nên chỉ viết theo hướng tập trung để quản lý, không thấy nhiều hành lang pháp lý để thư viện hoạt động cũng như huy động nguồn lực xã hội. Cũng mới chỉ lấy thư viện làm trung tâm mà chưa thấy lấy người đọc là đối tượng phục vụ, là trung tâm cho hoạt động thư viện.

Quy định mở cho các loại hình thư viện
Dẫn ra một thực tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Đi các nước, kể cả các nước rất giàu, người ta không khoe GDP bình quân đầu người bao nhiêu, hay chúng tôi giàu có như thế nào, mà đầu tiên là mời đến tham quan thư viện Quốc hội.
Đến các trường đại học cũng thế, họ khoe thư viện. Qua thư viện để nói về nền văn hóa, trình độ dân trí. Vì thế, dự Luật này rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay và cả tương lai sau này.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, Dự Luật phải làm rõ thư viện hoạt động theo loại hình DN hay loại hình nào. Đồng thời, các quy định vẫn chủ yếu đề cập về thư viện truyền thống, trong khi thư viện đang chịu nhiều tác động của công nghệ. Vì thế, Ban soạn thảo cần nghiên cứu điều chỉnh, có quy định mở để khi các loại hình thư viện mới ra đời không phải sửa luật. Quy định và tổ chức hoạt động thư viện, phân loại thư viện cần bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có nét tương đồng...
Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói: “Dù cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì thư viện vẫn phải tồn tại. Đó là nơi đọc sách, tra cứu thông tin, nơi nghiên cứu tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu và nâng cao tri thức... Do đó, nhu cầu văn hóa đọc cần phải tiếp tục, phải có trách nhiệm để làm sao cho dân Việt Nam nâng cao văn hóa đọc của mình”. Và đó cũng là những yêu cầu lớn đặt ra khi xây dựng Luật.