Áp lực giao thông trên tuyến Quốc lộ (QL6), đặc biệt, đoạn Ba La (Hà Đông) - Xuân Mai (Chương Mỹ) đã rất trầm trọng và ngày càng gia tăng. Đây vốn là một trong những tuyến đường quan trọng bậc nhất tại cửa ngõ phía Tây TP, mở ra thông đạo kết nối Hà Nội với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Mặt khác, nó còn là tuyến giao cắt với QL21B, đường mòn Hồ Chí Minh (QL21A); song song nhưng kết nối chặt chẽ với Đại lộ Thăng Long, tạo nên một vòng cung đi tránh khu vực trung tâm, phân giải áp lực giao thông cho nội đô TP. Vai trò của đoạn tuyến QL6 nêu trên là cực kỳ quan trọng với khu vực Tây - Nam Hà Nội.Thế nhưng, lòng đường hiện trạng của đoạn tuyến mới chỉ đủ chỗ cho 2 làn ô tô ngược chiều, xe máy, xe đạp phải luồn lách tìm kẽ hở lưu thông; vỉa hè đoạn có đoạn không. Cùng với đó, mặt đường đã xuống cấp nặng nề trên nhiều đoạn trong khi lưu lượng phương tiện gia tăng quá nhanh, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Chưa kể tuyến QL6, đoạn Xuân Mai - Hòa Bình được Bộ GTVT đầu tư theo hình thức BOT đã hoàn thành và đưa vào khai thác, tạo thêm áp lực lên đoạn tuyến còn dang dở Xuân Mai - Ba La.Chị Lê Phương Mai (32 tuổi, xã Tiên Phương, Chương Mỹ, TP Hà Nội) cho biết, người dân sống cạnh đường QL6 đã khổ sở nhiều năm vì tình trạng khói, bụi diễn ra hàng ngày. “Trên đường này có rất nhiều xe tải chở nặng chạy bất kể giờ giấc khiến chúng tôi rất lo sợ mỗi khi phải ra đường” - chị Lê Phương Mai nói.Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, đại diện Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, áp lực giao thông trên tuyến đường này diễn biến rất phức tạp. “Đường nhỏ, hẹp và xuống cấp tạo ra bộ mặt giao thông xấu xí. Đặc biệt là đoạn đê Yên Nghĩa và cầu Mai Lĩnh, nếu có xe gặp sự cố là sẽ xảy ra ùn tắc. Ở những điểm nóng này, Đội cũng thường xuyên phải cắt cử chiến sĩ chốt trực để điều tiết giao thông” - đại diện Đội CSGT số 7 nói.Nhiều lần bế tắcVốn nằm trong danh mục 52 dự án công trình giao thông trọng điểm của TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 nhưng trải qua nhiều lần thay đổi chủ trương đầu tư, dự án vẫn như rơi vào ngõ cụt. Do tính cấp thiết, Hà Nội đã từng đề xuất phương án sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới để thực hiện Dự án QL6, đoạn Ba La - Xuân Mai nhưng bất thành. Tháng 9/2016, TP lại tiếp tục có đề xuất với Chính phủ và Bộ GTVT cho thực hiện đoạn tuyến từ Xuân Mai - Chúc Sơn (15,78km) theo hình thức BOT, giao cho nhà đầu tư BOT QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, cả Bộ GTVT lẫn nhà đầu tư đều từ chối.Tiếp đó, với sự đồng thuận của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin thực hiện dự án theo hình thức BT và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho áp dụng hình thức chỉ định thầu trực tiếp. Tuy nhiên, số phận dự án này một lần nữa lại rơi vào tình thế mịt mờ khi hiện nay, theo Luật PPP mới được Quốc hội thông qua, hình thức hợp đồng BT đã không còn được áp dụng cho các dự án đầu tư mới, đồng nghĩa với việc đoạn tuyến QL6 Ba La - Xuân Mai lại một lần nữa rơi vào bế tắc.Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã có Tờ trình về việc thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với Dự án mở rộng QL6, đoạn Ba La – Xuân Mai. Theo đó, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đề nghị thẩm định, nghiên cứu sử dụng nguồn vốn từ ngân sách T.Ư hỗ trợ và ngân sách TP Hà Nội để triển khai dự án, tổng mức đầu tư dự kiến là 8.113 tỷ đồng.Câu hỏi đặt ra là liệu Dự án mở rộng QL6, đoạn Ba La - Xuân Mai có hy vọng sớm được triển khai đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của Nhân dân không hay sẽ tiếp tục phải chờ đợi thêm nhiều năm nữa (?).
Sở GTVT Hà Nội đã lựa chọn, giao tư vấn phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, khảo sát lại hiện trạng, cập nhật các quy hoạch và dự án có liên quan, đề xuất phương án đầu tư xây dựng tuyến đường QL6, đoạn Ba La - Xuân Mai và lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định, làm cơ sở trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. |