Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dư địa đầu tư hấp dẫn

Mai Vân thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội cho rằng, BĐS du lịch vẫn là phân phúc nhiều tiềm năng. Đặc biệt, những lợi thế về du lịch sẽ giúp cho phân khúc này tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

 Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội 
Bà có đánh giá thế nào về những triển vọng mà ngành du lịch sẽ mang lại cho thị trường BĐS của Việt Nam?
- Qua thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh hàng năm, đó là một tín hiệu rất tốt. Đặc biệt, với một thể chế chính trị ổn định và sau khi Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng quốc tế như APEC, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều... sẽ càng khiến cho du khách quốc tế lựa chọn đến Việt Nam nhiều hơn.

Bên cạnh đó, lượng khách trong nước cũng chiếm số lượng lớn, gấp nhiều lần so với khách quốc tế. Hiện nay, khách nội địa không chỉ có nhu cầu đi du lịch vào mùa Hè, mà còn có nhu cầu đi chơi, đi nghỉ vào những ngày cuối tuần hay ngày lễ, Tết. Nhóm du khách này cũng có nhu cầu tương đối lớn về dịch vụ lưu trú. Những yếu tố trên đang mang lại sự hấp dẫn cho nhà đầu tư BĐS du lịch, nghỉ dưỡng phát triển.

Ngoài những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay những khu vực có du lịch biển phát triển như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quy Nhơn, Phú Quốc... thời gian gần đây xuất hiện thêm một số địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng... BĐS du lịch, nghỉ dưỡng phát triển mạnh, do lượng khách du lịch tăng cao.

Theo bà, những khó khăn, vướng mắc hiện nay còn tồn tại đối với phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng là gì?

- Bước sang năm 2019, thị trường BĐS nói chung tại Việt Nam đang gặp phải một số thách thức. Đó là việc Chính phủ đang thực hiện siết chặt chính sách về tài chính, cắt giảm nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Trong khi đó, nguồn tín dụng BĐS còn hạn chế, khiến cho các DN gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để triển khai dự án. Đối với các địa phương có du lịch biển phát triển, các DN đang đẩy mạnh đầu tư vào sản phẩm căn hộ condotel. Tuy nhiên, hiện nay, tính pháp lý của sản phẩm này chưa thực sự rõ ràng, đặc biệt là liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, biệt thự du lịch theo hình thức condotel cho người mua, với thời hạn sở hữu theo dự án.

Vậy đâu là giải pháp để BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tiếp tục đà tăng trưởng trong thời gian tới, thưa bà?

- Hiện nay, các sản phẩm BĐS dịch vụ lưu trú truyền thống như khách sạn đang hoạt động tương đối ổn định; các sản phẩm mới như căn hộ, biệt thự du lịch đang được DN đẩy mạnh đầu tư. Xét về khía cạnh tài chính, các chủ đầu tư sản phẩm này đều có năng lực tài chính tốt (do đặc thù đầu tư condotel không được vay vốn và thế chấp ngân hàng) nhưng vướng mắc nhất vẫn là vấn đề pháp lý. Chính phủ Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý các sản phẩm BĐS du lịch nói chung, đặc biệt là khung pháp lý cho sản phẩm căn hộ, biệt thự du lịch. Bên cạnh đó, các địa phương cần phải có sự chủ động hơn trong việc kêu gọi đầu tư vào du lịch, đi kèm với những cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư...

Xin cảm ơn bà!