Nhân đây, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) tỉnh Bình Thuận về vấn đề mở cửa đón khách trở lại trong thời gian tới...
Được biết do tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, mấy tháng qua du lịch Bình Thuận đã phải dừng đón khách. Ông có thể đánh giá về tác động của đợt dịch này đối với ngành du lịch địa phương?
Ông Bùi Thế Nhân: Tác động của đợt dịch này đối với ngành du lịch Bình Thuận là hết sức nặng nề, bởi có khoảng 80 - 90% cơ sở lưu trú tạm ngưng hoạt động. Một số ít cơ sở thì cố gắng sửa chữa cải tạo cảnh quan, đầu tư nâng cấp trang thiết bị, duy trì hoạt động để phục vụ khách hiện có và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Dù vậy những cơ sở lưu trú còn hoạt động hầu như không đón khách, chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì hình ảnh về điểm đến và phục vụ khách đang lưu trú lâu dài…
Hiện nay các cơ sở du lịch, dịch vụ du lịch đang chịu áp lực từ nhiều phía, đó là chi phí giữ người lao động để duy trì cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống, chi phí quản lý, trợ cấp tài chính cho nhân viên phải nghỉ việc, chi phí cho phòng chống dịch Covid - 19. Hay như về lãi suất vay ngân hàng, chi phí thuế đất, mặt bằng, điện nước và đặc biệt là các khoản phí thường niên theo quy định hiện hành của Nhà nước như: Bảo hiểm xã hội, y tế, công đoàn... Do đó, các cơ sở gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, nợ thuế tồn đọng, khả năng thanh toán chậm.
Cũng do ảnh hưởng dịch Covid - 19, hoạt động kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh hầu như ngưng hoạt động từ tháng 2/2020, hiện nay đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp lữ hành xin rút giấy phép hoạt động, rút tiền ký quỹ từ ngân hàng để ổn định cuộc sống tạm thời... Còn tại các điểm tham quan du lịch cũng thực hiện việc đóng cửa ngay khi dịch bùng phát, sau đó được mở cửa đón khách với việc thực hiện phòng chống dịch. Thế nhưng do không có khách tham quan nên các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, song vẫn nỗ lực vừa cố gắng trả lương một phần cho nhân viên, vừa phải duy trì, bảo dưỡng cảnh quan.
Hiện một số tỉnh thành trên cả nước đang tính đến việc đưa du lịch trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Vậy ngành du lịch Bình Thuận thì sao?
Ông Bùi Thế Nhân: Cũng như các địa phương khác trên cả nước, Bình Thuận đang xây dựng phương án đưa du lịch trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Cụ thể xúc tiến xây dựng kế hoạch “Đón khách du lịch nội địa và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam đến Bình Thuận trong thời gian tiếp tục phòng chống dịch Covid - 19”. Mục đích là từng bước phục hồi thị trường khách du lịch nội địa đến Bình Thuận, khôi phục lại hoạt động của ngành du lịch và các ngành kinh tế, dịch vụ liên quan, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Kế hoạch cũng hướng đến tổ chức đón khách du lịch nội địa và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam đến Bình Thuận trên cơ sở đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Từ đó quảng bá hình ảnh, khẳng định thương hiệu Bình Thuận - Điểm đến an toàn và hấp dẫn, đồng thời góp phần giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trong tình hình dịch Covid - 19 đang diễn ra...
Dự kiến du lịch Bình Thuận sẽ thực hiện thí điểm mở cửa đón khách bắt đầu từ ngày 20/10 - 25/12/2021 với khách sạn có quyết định công nhận hạng từ 3 - 5 sao (hoặc tương đương), dịch vụ lữ hành, điểm tham quan đạt tiêu chí an toàn được UBND tỉnh công nhận. Địa bàn thực hiện thí điểm chủ yếu tập trung tại khu vực TP. Phan Thiết, riêng các huyện, thị xã tùy theo điều kiện thực tế tại địa phương có thể xem xét việc mở cửa thí điểm... Sau một thời gian triển khai thí điểm, ngành sẽ tổng kết, đánh giá để xem xét tiếp tục mở rộng đến các đơn vị, cơ sở đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh.
Để từng bước khôi phục hoạt động phù hợp điều kiện địa phương, trước mắt các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ cần được hỗ trợ những gì?
Ông Bùi Thế Nhân: Về vấn đề này, sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 cho 2.900 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, giải quyết hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch... Với Bộ VH, TT & DL cũng đề xuất giảm thuế, giảm 80% tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành và giảm tiền điện, tiền thuế đất đối với doanh nghiệp lưu trú, nghỉ dưỡng hoặc giãn, hoãn nộp các khoản phí thường niên theo quy định hiện hành của Nhà nước như bảo hiểm xã hội, y tế, công đoàn... Từ đó sẵn sàng phương án thí điểm “Đón khách du lịch nội địa và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam đến Bình Thuận trong thời gian tiếp tục phòng chống dịch Covid-19”.
Mặc dù vậy, những khó khăn đối với du lịch còn rất nặng nề, nhiều “điểm nghẽn” cần sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng như sự chung tay của cộng đồng để tháo gỡ. Thông qua đó góp phần đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị...
Dự báo thách thức từ đại dịch rất khó lường, theo ông thì du lịch Bình Thuận phải chuẩn bị như thế nào để ứng phó trong thời gian tới, góp phần duy trì ổn định hoạt động cho ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh?
Ông Bùi Thế Nhân: Do diễn biến phức tạp của Covid - 19, thời gian qua Bình Thuận tập trung vào công tác phòng chống dịch nên tạm hoãn các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch ở các tỉnh. Thay vào đó, địa phương đổi mới phương thức truyền thông, xây dựng các chương trình xúc tiến tại chỗ hướng tới thị trường nội địa, giới thiệu thế mạnh du lịch, những “đặc sản”, di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh, các giá trị văn hóa… của các địa phương trong tỉnh. Đồng thời đã tổ chức 3 chuyến khảo sát, truyền thông tại Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết và Hàm Thuận Nam, qua đó đánh giá chính xác về tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch dịch vụ của từng địa phương. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Bình Thuận năm 2021 nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá cũng như kết nối tour, tuyến và xây dựng các sản phẩm du lịch đón đầu du khách vào thời gian tới.
Tiếp đó ngành đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và tập trung triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa, nhất là chương trình “Oh Wow! Mũi Né”, tích cực phối hợp truyền thông giới thiệu hình ảnh về điểm đến Bình Thuận “An toàn - Thân thiện - Chất lượng”. Triển khai thực hiện công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá tác động của dịch Covid - 19 đến nhu cầu, xu hướng đi du lịch trong thời gian tới và xác định thị trường tiềm năng để có chiến lược xúc tiến, quảng bá thu hút du khách đem lại hiệu quả. Cùng với đó phối hợp doanh nghiệp lữ hành khảo sát, xây dựng và phát triển các sản phẩm, tour du lịch mới lạ, hấp dẫn, độc đáo như tour du lịch xanh, du lịch sinh thái hòa mình với thiên nhiên, du lịch thể thao... Mặt khác quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao công tác quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường quản lý môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách.
Về lâu dài, theo tôi cần tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cũng như phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hóa thị trường khách du lịch. Trong đó tập trung phát triển sản phẩm du lịch dựa theo 4 chủ đề chính: Du lịch biển và giải trí; Du lịch thám hiểm và thể thao; Du lịch chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng; Công tác kết hợp du lịch nghỉ dưỡng - MICE...
Xin cảm ơn ông!
Theo ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở VH, TT & DL Bình Thuận, để triển khai thực hiện thí điểm mở cửa đón khách cũng cần các điều kiện bắt buộc, trong đó có xây dựng và triển khai Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch. Triển khai tiêm đủ liều vắc xin cho toàn bộ lao động tại các khách sạn, điểm tham quan tham gia cung cấp dịch vụ để đảm bảo an toàn khi đón và phục vụ khách. Bên cạnh việc việc hướng dẫn đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch cho các cơ sở, điểm tham quan tham gia chương trình thì cũng xây dựng lộ trình đưa đón khách nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách... |