Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch dịp lễ 30/4-1/5: Hấp dẫn nhưng phải an toàn

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịp lễ 30/4 – 1/5 năm nay, thời gian nghỉ lễ sát với kỳ nghỉ cuối tuần (tổng cộng 4 ngày), là thời điểm hết sức thuận lợi cho việc lựa chọn các tour du lịch.

Theo nhiều hãng lữ hành, sau thời gian bị kìm nén để phòng, chống dịch Covid-19, nhu cầu đi du lịch của người dân đang hồi phục rất nhanh. 

Tại hầu hết các tỉnh trong cả nước đã nhanh chóng triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa mới, như Ninh Bình có kế hoạch tổ chức “Năm Du lịch quốc gia 2021” với nhiều hoạt động hấp dẫn; các tỉnh, thành như: Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… cũng tung ra chương trình kích cầu, thu hút du khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Nhiều DN lữ hành, công ty du lịch đã mở lại tất cả tour nội địa, đặc biệt nắm bắt cơ hội kích cầu du lịch dịp nghỉ lễ giỗ Tổ và 30/4 - 1/5.

Các hãng lữ hành cũng phát triển dịch vụ sản phẩm riêng biệt thu hút du khách đặc thù như du lịch hội họp, tổ chức sự kiện, du lịch theo nhóm khách hàng lớn... để đón đầu nhu cầu du khách trong đợt kích cầu lần này. Các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng "mạnh tay" đầu tư, chuẩn bị khai trương trung tâm giải trí nghỉ dưỡng theo mô hình "một điểm đến nhiều nhu cầu" đón đầu làn sóng du lịch nội địa bùng nổ sau khi nước ta dần khống chế có hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Sau 3 đợt dịch bệnh khiến ngành du lịch kiệt quệ, với tín hiệu ấm dần lên của thị trường, các công ty du lịch phấn khởi chờ đợi sự bùng nổ vào dịp 30/4 và 1/5 sắp tới. Ghi nhận cho thấy, nhu cầu du lịch của du khách trong nước đã tăng. Lượng khách đặt tour bắt đầu tăng trở lại, trong đó có cả nhóm khách đoàn số lượng lên tới vài trăm khách. Theo nhận định của lãnh đạo Bộ VHTT&DL, tuy lượng khách nội địa chưa thể bù đắp được nguồn thu từ lượng khách quốc tế nhưng cũng giúp làm ấm thị trường du lịch Việt Nam, giải quyết một phần khó khăn cho các DN lữ hành.

Dù vậy, kích cầu du lịch nhưng vẫn phải đặt an toàn của du khách lên hàng đầu, vẫn phải đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch Covid-19. Đa dạng chiến dịch quảng bá điểm đến an toàn nhằm xây dựng lòng tin của du khách; hướng dẫn cụ thể về an toàn cho du khách trong việc tuân thủ phòng, chống dịch bệnh ở những điểm đến. Đặc biệt là trong khi vẫn còn nhiều cá nhân chưa đề cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, coi nhẹ công tác tự phòng dịch... Mọi tư tưởng, thái độ chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch của cá nhân khi tham gia các hoạt động tập trung đông người, nhất là ở những địa điểm du lịch nổi tiếng đều rất có thể là nguyên nhân dẫn đến những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19. Việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế tại các địa điểm du lịch càng có ý nghĩa quan trọng khi kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang đến gần.

“An toàn” và “Hấp dẫn” là yếu tố then chốt của kích cầu du lịch. Việc cho phép các khu du lịch hoạt động trong “trạng thái bình thường mới” là tạo cơ hội phục hồi lĩnh vực du lịch, dịch vụ và thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng thu nhập cho người dân. Chủ trương này chỉ thực sự có ý nghĩa khi mọi người từ khách du lịch đến người dân bản địa thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.