Đồng thời, mở rộng các điểm trung tâm thông tin hỗ trợ khách du lịch, tăng cường liên kết lực lượng thanh tra liên ngành để kịp thời chấn chỉnh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch...
Tất cả đã và đang góp phần khẳng định vai trò và vị thế của ngành Du lịch, đóng góp không nhỏ trong sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Điều đó thể hiện bằng số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng đáng kể, cụ thể: Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 4,02 triệu lượt, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2015; khách du lịch quốc tế đến có lưu trú ước đạt 2,9 triệu lượt, tăng 24% so với cùng kỳ 2015; khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt 17,8 triệu lượt, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2015; tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 21,9 triệu lượt, tăng 11% so với cùng kỳ 2015; Tổng thu từ khách du lịch đạt 61,8 ngàn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2015.
Năm 2016, Hà Nội được nhiều tạp chí du lịch hàng đầu bình chọn là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á và thế giới. Tạp chí Trip Avisor tiếp tục xếp hạng Hà Nội là điểm đến hấp dẫn thứ 4 Thế giới; là một trong 10 TP có giá phục vụ ăn uống tại phòng (room service) rẻ nhất Thế giới...
Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình nhận xét: “Năm 2016, ngành du lịch Thủ đô đã đạt thành tích rất ngoạn mục, với mức tăng trưởng lượng khách và doanh thu ấn tượng nhất từ trước tới nay”.
Không còn là “ngôi sao cô đơn”
Theo phân tích của ông Bình, sự phát triển đột phá ấy là nhờ định hướng đúng đắn của TP Hà Nội, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để ưu tiên phát triển. Đồng thời, liên kết công - tư giữa các bên liên quan trong và ngoài ngành du lịch đã được chú trọng và phát huy. Du lịch Hà Nội đã không còn là “ngôi sao cô đơn” như trước đây.
Du khách quốc tế trong trang phục áo dài thưởng lãm vẻ đẹp Đào Nhật Tân, Hà Nội. Ảnh: Hồng Hạnh. |
Rõ ràng, chỉ qua 1 năm TP xác định lại vị thế của ngành, cùng sự quan tâm của tất cả các bên liên quan, bộ mặt du lịch Hà Nội đã hoàn toàn đổi khác. “Điều này được thể hiện rõ nhất ở sự quan tâm đầu tư cho những sản phẩm du lịch mới. Trong đó phải kể đến việc xây dựng công viên đẳng cấp quốc tế bằng nguồn xã hội hóa; thí điểm mở rộng không gian đi bộ quanh Hồ Gươm;… Đặc biệt, những sự kiện do Sở Du lịch chủ trì hoặc phối hợp tổ chức trong năm qua như: Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội – VITM 2016, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam 2016, Ký ức Hà Nội, Festival Áo dài Hà Nội 2016,… đã gắn liền với du khách và ngành du lịch chứ không đơn thuần là các lễ hội, sự kiện văn hóa”, ông Bình dẫn chứng.
Trong bức tranh ngành du lịch Việt Nam năm 2016 đạt rất nhiều ấn tượng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, Hà Nội là điểm sáng trong bức tranh tươi đẹp ấy. Ông Tuấn bày tỏ: “Tôi đang dự cảm về 1 giai đoạn phát triển đột phá của du lịch Việt
Đặc biệt, năm 2016, ngành du lịch Hà Nội đã tạo được bước đột phá trong công tác quảng bá, xúc tiến. Ở trong nước, Hà Nội đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với 25 tỉnh, TP; làm việc với 21 quận, huyện, thị xã, các ngành, các tổ chức quốc tế và các DN có liên quan. Ở nước ngoài, lần đầu tiên, Hà Nội đảm nhiệm vai trò tổ chức một số sự kiện quảng bá, xúc tiến như: Tổ chức sự kiện xúc tiến du lịch thị trường Nga, tham gia hội chợ du lịch Jata 2016 tại Tokyo – Nhật Bản; Hội chợ du lịch TopResa tại Pháp; hội chợ WTM Du lịch Thế giới 2016… Đặc biệt là chủ động mời đoàn đoàn DN và báo chí Hàn Quốc tới khảo sát du lịch… Gần đây nhất, UBND TP Hà Nội đã ký chương trình quảng bá hình ảnh Hà Nội và cả nước trên kênh CNN (Mỹ) trong 2 năm 2017 và 2018…
Hút khách bằng sự thân thiện, chất lượng
Với những kết quả vượt bậc năm 2016, năm 2017, ngành du lịch Thủ đô phấn đấu đón 23,61 triệu lượt khách, tăng 8% so với năm 2016. Trong đó có 4,3 triệu lượt khách quốc tế, với 3.07 lượt khách quốc tế lưu trú, tăng 6% so với năm 2016; 19,31 triệu lượt khách nội địa, tăng 8,4% so với năm 2016. Tổng thu từ khách du lịch đạt 66,6 ngàn tỷ đồng, tăng 8 % so với năm 2016. Phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch đạt 65%.
Để đạt mục tiêu đó, năm 2017, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tập trung phát huy sức mạnh tổng thể của toàn ngành để tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, đặc trưng của Thủ đô và dịch vụ hoàn chỉnh, ấn tượng. Cùng với đó là đẩy mạnh quảng bá du lịch trên mạng tin tức Truyền hình cáp CNN (Mỹ); tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt, năm 2017, ngành du lịch Hà Nội sẽ cố gắng xử lí dứt điểm kiểu kinh doanh “chụp giật” để Hà Nội luôn là điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”…
Tin rằng, những bước phát triển vượt bậc, đồng bộ trên mọi mặt của du lịch Thủ đô năm 2016 và sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, chính là “bệ phóng” để ngành công nghiệp không khói Hà Nội tiếp tục tạo đột phá trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2017 do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức chiều 11/1, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tặng cờ thi đua cho 4 tập thể; tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân thuộc Sở Du lịch Hà Nội. Sở Du lịch Hà Nội cũng vinh dự được UBND TP Hà Nội tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc cho 2 tập thể và tặng Bằng khen cho 1 tập thể. |