Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Hà Nội nhân lên sức mạnh nhờ liên kết công – tư

Bài, ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm nối dài “cánh tay” sức mạnh để xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh phục vụ du khách, sáng 28/12, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị “Triển khai hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020" với sự góp mặt của các DN, cơ sở dịch vụ, điểm đến và cơ quan quản lý Nhà nước.

Xây dựng sản phẩm theo thị trường
Thực hiện Nghị Quyết 06/NQ-TU ngày 26/6/2016 về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; Kế hoạch 207/KH- UBND, ngày 11/11/2016 của UBND TP Hà Nội về thực hiện Nghị Quyết 06, Sở Du lịch Hà Nội đã soạn Dự thảo Kế hoạch “Hợp tác liên kết giữa DN, cơ sở dịch vụ, điểm đến và cơ quan quản lý xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh phục vụ khách du lịch”.
 Hợp tác du lịch giữa nhiều thành phần, đặc biệt giữa DN với DN, tăng cường quan hệ đối tác công - tư sẽ nhân sức mạnh của du lịch Thủ đô lên gấp bội. Ảnh: Hồ Hạ.
Theo đó, các bên sẽ đẩy mạnh hợp tác xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ du lịch cho từng thị trường cụ thể cũng như phối hợp quảng bá, tiếp thị sản phẩm tới du khách. Sở cũng đã vạch rõ tiến độ thực hiện các công việc, nhiệm vụ cho từng bên theo từng tháng nhằm phát huy tối đa vai trò chủ động, sáng tạo của các bên liên quan.

Đối với thị trường ASEAN, Hà Nội sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch di sản thế giới, trải nghiệm văn hóa, du lịch MICE, chơi golf, các sản phẩm gắn với điểm đến khác trên tuyến hành lang Đông Tây… để hút khách. Với khách Nhật Bản, Hàn Quốc, các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, ẩm thực, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE, chơi golf sẽ được đầu tư hơn nữa.

Đặc biệt, với các thị trường có lượng khách đến Hà Nội chiếm hơn 50% tổng số lượng đến Việt Nam và tăng trên 100% so với năm 2015 như: Úc, Newzealand, Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Hà Nội sẽ thu hút bằng sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, ẩm thực và vui chơi giải trí. Các thị trường giàu tiềm năng khác như: Nga, Trung Quốc, nội địa cũng sẽ được chú trọng đầu tư và quảng bá, xúc tiến trong năm 2017.

Tạo mô hình liên kết kiểu mẫu

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định, đây là lần đầu tiên có một địa phương trên cả nước tổ chức một Hội nghị kỹ thuật nhằm xây dựng Kế hoạch Liên kết hợp tác giữa DN, cơ sở dịch vụ, điểm đến và cơ quan quản lý để xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh phục vụ khách du lịch.

Du khách quốc tế trải nghiệm tại phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Hồ Hạ.

“Vì lẽ đó, năm 2017, Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch Hà Nội cùng các DN, điểm đến phải phối hợp chặt chẽ trong mọi hoạt động, trở thành mô hình liên kết kiểu mẫu cho các địa phương khác. Vụ Thị trường và Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) sẽ cùng với Sở xác định rõ phân khúc thị trường, chọn sự kiện, sản phẩm sao cho trúng và có trọng tâm, trọng điểm để thu hút du khách”, ông Siêu nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình, bên cạnh các thị trường có lượng khách đến đông, Hà Nội cần chọn ra 1 - 2 thị trường ở khu vực Đông Nam Á để ưu tiên xây dựng sản phẩm, dịch vụ và quảng bá, xúc tiến. Từ đó, lan rộng nhu cầu du lịch Hà Nội tới các quốc gia Đông Nam Á khác vì đây vẫn là thị trường có lượng khách quốc tế đến Hà Nội còn hạn chế.

Cùng với đó, ông Bình cho rằng, các DN lữ hành, vận tải cần đẩy mạnh liên kết hơn nữa để kích cầu thị trường nội địa bằng cách có những ưu đãi cho du khách Việt đến Hà Nội. Trong đó, hàng không và đường sắt là hai loại hình quan trọng nhất. Bởi, nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa các DN cùng nhiều chính sách ưu đãi cho du khách, chỉ hơn 1 tháng, TP Hồ Chí Minh đã thu hút được hơn 13 ngàn lượt khách đến đây bằng tàu hỏa, loại hình vận chuyển được coi là kém ưu thế so với các phương tiện giao thông khác.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Quang Lân cho rằng: Việc Sở Du lịch Hà Nội xây dựng Kế hoạch liên kết công – tư để xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh phục vụ khách du lịch, cho thấy, Sở đã chú trọng đầu tư vào chiều sâu và chất lượng, chứ không phải chiều rộng. Đây là cách làm rất đúng đắn trong bối cảnh hiện nay.

Để hoạt động liên kết đạt hiệu quả như mong muốn, ông Nguyễn Quang Lân đề nghị các bên liên quan tập trung xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh Văn hóa, lịch sử, và du lịch MICE như định hướng của Nghị quyết 06. Sau khi xây dựng chuỗi sản phẩm hoàn thiện mới quảng bá, xúc tiến sao cho trúng, đúng thị trường. Chẳng hạn, du lịch ẩm thực khó thu hút khách châu Á. Nhưng, khách châu Âu lại rất quan tâm đến ẩm thực và các sản phẩm thủ công truyền thống.

Các đại biểu đều cho rằng, hợp tác du lịch giữa nhiều thành phần, đặc biệt giữa DN với DN, tăng cường quan hệ đối tác công - tư sẽ nhân sức mạnh của du lịch Thủ đô lên gấp bội. Chính vì thế, Sở Du lịch đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Hà Nội phối hợp cử các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội tham gia các nhóm liên kết xây dựng sản phẩm theo thị trường khách cụ thể, phối hợp chỉ đạo định hướng xây dựng các sản phẩm liên kết...

Đồng thời, đề nghị các DN lữ hành trên địa bàn TP căn cứ thị trường khách của mình hưởng ứng tham gia các nhóm liên kết sản phẩm, đóng góp ý tưởng xây dựng các chuỗi sản phẩm liên kết chào bán tới các thị trường mục tiêu; phối hợp công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm liên kết tới đối tác và khách hàng tiềm năng của đơn vị. Cùng với đó, các DN vận chuyển du lịch, khách sạn trên địa bànTP Hà Nội hưởng ứng tham gia chuỗi sản phẩm du lịch liên kết, có chính sách giá cạnh tranh đối với DN lữ hành tham gia chuỗi liên kết xây dựng sản phẩm du lịch.