Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch tàu biển Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (6/12) tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế về phát triển du lịch tàu biển.

 Quang cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo có đại diện của lãnh đạo Tổng Cục Du lịch, cùng với sự có mặt của gần 200 khách mời đến từ các hãng lữ hành du lịch trên cả nước.
Tại hội thảo, ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch chỉ rõ, trong vòng 5 năm qua tổng số lượt khách tàu biển đã tăng khoảng 24%, từ 21 triệu lượt khách lên khoảng 26 triệu lượt khách năm 2018. Trong đó lượng khách du lịch tàu biển đến từ châu Á tăng trưởng trung bình đạt 23%.
Có một thực tế là Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, có tuyến giao thông hàng hải thuận lợi, nằm gần với các trung tâm cảng biển phát triển hiện đại trên thế giới như Hồng Kông, Singarpore, Thượng Hải nên dễ tham gia vào các tuyến hành trình ngắn ngày và dài ngày giữa các điểm đến trong khu vực châu Á với các khu vực khác.
Lợi thế là vậy, nhưng đến hiện tại lượng khách du lịch tàu biển Việt Nam mới chỉ chiếm 2 - 3% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Việt Nam đón khoảng dưới 300.000 lượt khách du lịch tàu biển/năm với gần 500 chuyến tàu cập cảng.
Sự phát triển không ổn định này do nhiều nguyên nhân, trong đó có kết cấu hạ tầng hạn chế, hệ thống cảng biển và hạ tầng cảng biển chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng dịch vụ chưa cao; nhiều cảng đón khách tàu biển phải sử dụng chung với các cảng hàng hóa. Hệ thống dịch vụ, kỹ thuật tại các cảng biển chưa đồng bộ. Sản phẩm du lịch nghèo nàn…
Việt Nam được có 1 hệ thống 6 nhóm cảng biển được quy hoạch để đón khách du lịch tàu biển, về lâu dài cần có sự kết hợp tổng hòa các hệ thống đầu tư như nguồn khách, cảng biển, sản phẩm… để tạo cho Việt Nam là điểm đến hấp dẫn về du lịch tàu biển trong thời gian tới.
Đại diện hãng du lịch Hồng Kông Mr Wong Cheuk Hung cho rằng, cần có sự liên kết chặt chẽ trong phát triển du lịch, nhất là sự liên kết giữa các nước trong việc phát triển du lịch tàu biển.
Một số năm trở lại đây sự phát triển về du lịch tàu biển đang là kỳ vọng để các hãng du lịch tàu biển nhắm tới, đặc biệt là đối với thị trường khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 59% tại Châu Á, sau đó đến Hồng Kông 5,7%; Nhật Bản 6,5%, Đài Loan 9,2%... Nếu trước đây mọi người thường quan niệm về khách trung lưu trở lên mới đi du lịch tàu biển thì ngày nay khách có xu hướng trẻ hóa. Vì vậy việc nhắm tới lượng khách du lịch tàu biển là nguồn khai thác rất tiềm năng.
Năm 2018 toàn khu vực Châu Á đã có tới 78 chiếc tàu khách (trong đó tàu cỡ lớn 19 chiếc, tàu siêu lớn 6 chiếc, 5 tàu hành trình…). Một số tàu quy mô lớn có khả năng chuyên chở tới 6.000 hành khách… các hãng tàu biển lớn cũng lần lượt ra đời như Royal Caribean Cruise Lines...
 Việt Nam có tuyến giao thông hàng hải thuận lợi, nằm gần với các trung tâm cảng biển phát triển hiện đại trên thế giới
Bà Huang Ruiling (Trung Quốc) thì mong muốn, thời điểm này là vô cùng thích hợp cho việc mở rộng phát triển du lịch tàu biển. Do châu Á có khi hậu nhiệt đới ấm áp quanh năm, nhiều bãi biển đẹp và hơn 25.000 hòn đảo lớn nhỏ, cùng với sự đa dạng phong phú về di sản văn hóa, lịch sử là những lợi thế hình thành nên các sản phẩm du lịch tàu biển có sức hút cao.
Trên bản đồ du lịch tàu biển thế giới khu vực châu Á là điểm đến hấp dẫn với 288 điểm được lựa chọn trở thành điểm dừng chân của các hãng du thuyền thế giới. Nhật Bản nhiều nhất có 2.601 chuyến tàu cập cảng, Trung Quốc 1.012 chuyến; Thái Lan 581 chuyến, Việt Nam 493 chuyến… Sự phát triển này chính là xu hướng liên kết để tạo ra hành trình, tuyến du lịch tàu biển có tính đa dạng và đem lại nhiều trải nghiệm cho du khách.
Cũng bởi sự phát triển du lịch tàu biển khu vực châu Á đã đem lại cả cơ hội cũng như sự thách thức cho du lịch tàu biển Việt Nam. Cơ hội chính là thị trường tiềm năng, chi phí rẻ, dễ kết nối…
Tuy nhiên Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức trong việc đáp ứng sự phát triển hiện đại của các hãng tàu quốc tế, cũng như các quốc gia trong khu vực có điều kiện hạ tầng và kết nối công nghệ tốt trong phát triển du lịch tàu biển. Việt Nam cần phải liên kết với các hãng tàu, các điểm đến, các trung tâm trung chuyển khách để khẳng định điểm đến đón khách trong hành trình du lịch tàu biển trong khu vực, và kỳ vọng đưa phát triển du lịch trở thành mũi nhọn về phát triển kinh tế thì không thể thiếu du lịch tàu biển.
Vì thế Việt Nam cần đầu tư phát triển du lịch tàu biển, đầu tư hệ thống cảng biển dành riêng đón khách tàu biển, có nhà ga đón khách, cơ sở hạ tầng dịch vụ, các trung tâm mua sắm hiện đại, khu vui chơi, có chính sách ưu tiên cho các hãng tàu du lịch cập cảng so với tàu chở hàng. Tăng cường tính liên kết giữa các công ty lữ hành, hãng tàu biển, các cơ sở cung ứng dịch vụ…
Xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch tàu biển, đặc biệt là thị trường khách châu Á, xây dựng website quảng bá du lịch tàu biển Việt Nam. Cải tiến thủ tục hải quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính tao điều kiện cho khách du lịch tàu biển; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ du lịch cho cán bộ quản lý nhà nước. Đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo tính an ninh an toàn, văn minh, thân thiện.