Không còn “ăn đong” theo từng năm nữa, song vẫn có nhiều quy định về xin thị thực vào Việt Nam đang là “rào cản” đối với sự phát triển ngành kinh tế xanh.
Không còn “ăn đong”Theo Tổng cục Du lịch, giai đoạn 2010 - 2014, tổng lượng khách từ thị trường 5 nước Tây Âu đến Việt Nam chỉ tăng trung bình 5,35%/năm. Tuy nhiên, năm 2016 sau khi được miễn thị thực nhập cảnh, có 781.000 lượt khách Tây Âu đến Việt Nam, trong đó, số khách tăng thêm so với năm 2015 là 87.000 lượt. Với 87.000 lượt khách Tây Âu tăng thêm mang về tổng thu trực tiếp tăng thêm cho ngành du lịch hơn 114 triệu USD, thu gián tiếp và lan tỏa đạt trên 124 triệu USD, tổng thu đạt 238 triệu USD. Con số này cao gấp hơn 100 lần so với 2,2 triệu USD thu được từ phí visa (25 USD/người) của 87.000 lượt khách (nếu không miễn visa). Điều đó cho thấy, miễn visa chẳng những không làm thất thu ngân sách mà còn mang về khoản ngoại tệ kếch xù cho quốc gia.
|
Du khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Công Hùng |
Trước đây, chính sách miễn visa cho du khách 5 nước Tây Âu được triển khai theo kiểu “ăn đong” từng năm gây phiền hà cho DN và du khách. Tuy nhiên, đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục miễn visa cho thị trường này với thời hạn 3 năm. Trước đó, Quốc hội cũng đã cho phép Chính phủ thí điểm cấp visa điện tử. Đây là những cải cách quan trọng giúp thu hút khách Tây Âu nói riêng, khách quốc tế nói chung đến Việt Nam. Tuy vậy, theo các chuyên gia và DN lữ hành, vẫn còn nhiều quy định về xin visa vào nước ta đang là “chướng ngại vật” đối với DN và du khách.
Chính sách visa được cho là một trong những yếu tố hàng đầu thu hút khách quốc tế, nhưng, báo cáo về chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới lại khẳng định, chỉ số "yêu cầu thị thực nhập cảnh" của Việt Nam xếp hạng 116/136, thấp nhất trong khối các nước ASEAN (Philippines hạng 41, Malaysia hạng 25, Thái Lan hạng 21, Lào hạng 18, Singapore hạng 16, Campuchia hạng 5 và Indonesia hạng 2). |
Đơn cử, các nước Đông Nam Á chủ yếu miễn thị thực từ 30 - 90 ngày cho khách quốc tế, thì Việt Nam chỉ miễn visa trong 15 ngày, ngắn hơn thời gian trung bình đi tour của khách. Cho nên, dù lượng khách Tây Âu đến Việt Nam tăng đáng kể nhưng chúng ta vẫn chưa thể thu được lợi nhuận tối đa. Minh chứng được ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc TransViet Travel chỉ ra là: “Có khoảng 40% lượng khách Tây Âu đặt tour trên 15 ngày của TransViet chuyển sang tour dưới 15 ngày. Với mức chi tiêu trung bình 87 USD/khách/ngày, tổng chi tiêu trung bình đạt khoảng 1.300 USD trong 15 ngày tour thì việc khách chuyển sang tour ngắn ngày gây thiệt hại không nhỏ cho các DN”. Mặt khác, theo ông Đạt, chúng ta không nên chạy đua theo số lượng, bởi một khách chi tiêu cao, doanh thu gấp 3 – 4 khách chi tiêu thấp, trong khi tiêu hao tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng môi trường, năng lượng… ít hơn.
Đề xuất Chính phủ cấp visa transitBên cạnh đó, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia thông tin, ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các quốc gia như Singapores, Malaysia, Indonesia, Philippines đều thực hiện miễn thị thực cho hơn 160 nước. Mặc dù không phải tất cả các quốc gia đó đều miễn thị thực song phương. Vì thế, Hội đồng Tư vấn Du lịch cho rằng, Việt Nam có thể được hưởng lợi lớn nếu mở rộng diện miễn thị thực tới các nước kinh tế phát triển như Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Hà Lan và Bỉ.
Ông Chính phân tích: “Nếu được miễn visa, lượng khách Úc đến Việt Nam có thể đạt một triệu lượt trong 5 - 10 năm tới. Các thị trường khác kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 20%. Kèm theo đó, khi lượng khách quốc tế tăng khoảng 8 - 10% thì doanh thu trực tiếp sẽ đạt 100 triệu USD, cao gấp 6 lần so với số tiền phí thị thực thất thu là 17 triệu USD. Đặc biệt, nền kinh tế có thể hưởng lợi gấp 3 lần từ doanh thu trực tiếp từ du lịch. Nhờ vậy, chúng ta sẽ có lợi nhiều hơn với chính sách miễn thị thực mở rộng này”.
Cùng với việc kéo dài thời gian, mở rộng thị trường miễn visa, Hội đồng Tư vấn du lịch còn kiến nghị Chính phủ cho phép cấp visa transit cho khách quốc tế đến Việt Nam trải nghiệm trong vòng từ 48 - 72 giờ mà không cần thị thực. Việc này, giúp phát triển dịch vụ cho các hãng hàng không Việt Nam và tạo cơ hội cho khách quốc tế có cơ hội khám phá Việt Nam trong thời gian ngắn, sau đó quay lại nghỉ dưỡng dài hơn nếu họ thấy phù hợp. Mặt khác, các DN du lịch cũng mong muốn chính sách E-visa được cải thiện nhiều hơn về tốc độ truy cập, cách tiếp thị website, quy trình đơn giản và dễ dàng hơn. Ngoài ra, cần phải cải thiện chính sách cấp visa tại cửa khẩu vì hiện tại việc này rất phức tạp và chưa hiệu quả.