Kinhtedothi - Thời gian gần đây, khách du lịch Trung Quốc đến Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng tăng đột biến, góp phần tăng doanh thu cho ngành công nghiệp không khói nhưng cũng gây không ít hệ lụy cho địa phương. Điều đáng nói là đây không phải câu chuyện mới, song, ngành du lịch vẫn rơi vào tình trạng quản lý… theo đuôi.
Lộn xộn Không thể phủ nhận những đóng góp của khách Trung Quốc tại Nha Trang, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu không quản lý tốt, chúng ta sẽ phải đánh đổi nhiều thứ. Phó Giám đốc Khách sạn Nha Trang Palace ông Phan Danh Dũng, chia sẻ: Trước đây, khách Trung Quốc từng ồ ạt đến Đà Nẵng, Móng Cái, Hạ Long… và để lại cho những địa phương này nhiều mối lo, rồi không trở lại. Vậy thì, ai dám chắc lượng khách người Hoa đang ở Nha Trang sẽ ổn định trong nhiều năm. Trong khi đó, rất nhiều DN du lịch Nha Trang “bỏ rơi” các thị trường truyền thống khác.
Một doanh nghiệp du lịch mở phòng vé máy bay treo biển hiệu chữ Trung Quốc trên đường phố Nha Trang. (Ảnh: Minh Hoàng) |
Điều đáng buồn hơn được Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Nguyễn Tiến Đạt “mổ xẻ” là: Dịch vụ mùa cao điểm của Nha Trang đã khan hiếm, nhưng chất lượng lại “giảm dần đều” vì nhiều đơn vị hạ giá để hút khách Trung Quốc. Đặc biệt, sự xuất hiện hàng trăm hướng dẫn viên Trung Quốc khiến chất lượng tour bị giảm sút. Thậm chí, gần đây còn có hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động “chui” tại Đà Nẵng và Hội An, đồng thời xuyên tạc thông tin về lịch sử và địa lý Việt Nam khi dẫn đoàn khách tham quan. Cùng với đó, một số công ty du lịch sử dụng nhiều “mánh khóe” để chào giá tour thấp kỷ lục nhưng yêu cầu hướng dẫn viên ép khách mua các gói dịch vụ như đi Vinpearlland, lặn biển Hòn Mun, tắm bùn… với giá bán cao gấp nhiều lần khiến du lịch Việt dần mất uy tín. Không chỉ vậy, khách Trung Quốc đến Nha Trang còn “núp bóng” du khách để kinh doanh trái phép, nhờ người Việt Nam đứng tên, dùng thương hiệu Việt Nam để kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng của Trung Quốc. Các cửa hàng này thường chỉ phục vụ khách Hoa, niêm yết giá bằng nhân dân tệ. Thậm chí, các DN có yếu tố Trung Quốc đã liên kết với các đơn vị lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú khách sạn, nhà hàng ở Khánh Hòa để kinh doanh “tour khép kín”. Tức khách Hoa ăn, ngủ, nghỉ, chơi ở đâu đều có người hướng dẫn đến các cơ sở kinh doanh của Trung Quốc (do người Việt đứng tên). Quản lý theo đuôi Đáng nói là khách Trung Quốc “đổ bộ” vào Nha Trang từ tháng 2, nhưng tới tháng 4, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Khánh Hòa và phát hiện tình trạng khai báo tạm trú chưa chuyển hộ chiếu gốc về cho cơ sở lưu trú theo dõi; nhiều trường hợp kinh doanh lữ hành trái phép. Và tới tận giữa tháng 6, Tổng cục Du lịch mới ra văn bản số 519/TCDL-LH về việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đón khách du lịch Trung Quốc tại TP Nha Trang. Lý giải về tình trạng quản lý theo đuôi, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hanoi RedTours Nguyễn Công Hoan phân tích: Từ trước đến nay, du lịch Việt Nam luôn rơi vào tình trạng tạo mọi điều kiện để thu hút khách quốc tế mà không ý thức quản lý chặt chẽ ngay từ đầu. Thậm chí, một số địa phương biết sai phạm của các đơn vị lữ hành trong nước hay nước bạn nhưng vẫn “lờ đi” vì mục tiêu là đưa khách đến càng nhiều càng tốt. Sự dễ dãi ấy dần trở thành thói quen rất khó chữa, còn người nước ngoài càng được đà lấn tới. Còn có tình trạng dù chính quyền địa phương hay cơ quan quản lý “ngại” xử lý vi phạm do sợ mất khách. Thực tế của ngành Du lịch thời gian qua cũng cho thấy, nguồn khách du lịch đường bộ đến Quảng Ninh hay khách Nga đến Mũi Né... đều tự đến và tự đi, ngành Du lịch không kiểm soát được vì kiểm soát thì sợ mất. Đó là nguyên nhân khiến các cơ quan quản lý nhà nước ngành Du lịch luôn rơi vào thế bị động. Hiện nay, du khách Trung Quốc là thị trường bình dân. Do đó, để thu hút và quản lý tốt thị trường này, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng: “Chúng ta nên xây dựng một chuỗi hệ thống nhà hàng, dịch vụ phục vụ riêng khách Trung Quốc giống như các nước Singapore, Malaysia và 1 số quốc gia châu Âu đã làm”. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp trước mắt. Để bài học này không lặp lại với khách Trung Quốc nói riêng, các thị trường khác nói chung, ở tầm vĩ mô, ngành du lịch cần có chiến lược tổng thể và dài hạn. Có như vậy, sự tăng trưởng khách quốc tế mới ổn định, bền vững.