"ADB đã triển khai nhiều dự án nhằm hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình phát triển du lịch từ năm 2003 tại các địa điểm nổi tiếng, bao gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… những địa điểm này sở hữu nhiều tiềm năng thu hút đầu tư. Tuy nhiên, theo tôi Việt Nam vẫn còn nhiều địa điểm sở hữu tiềm năng phát triển và cần được khai phá, bao gồm Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Trị, Quảng Bình. Với những địa điểm này, Chính phủ Việt Nam có thể đào tạo nguồn nhân lực từ chính những người dân bản địa để họ trở thành những hướng dẫn viên chuyên nghiệp." - Trưởng Ban Quản lý dự án, Cơ quan Đại diện Thường trú của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Steven Schipani "Việt Nam thuộc nhóm 6 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du khách nhanh nhất thế giới. Đó là cơ hội cho kinh tế nhưng lại là thách thức về vấn đề môi trường. Việt Nam đang thiếu một bộ tiêu chí cụ thể, định hướng phát triển sản phẩm du lịch xanh cho DN. Chúng ta đã chứng kiến nhiều bài học kinh nghiệm cả trong nước và quốc tế liên quan đến việc sử dụng lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển du lịch. " - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng |
Du lịch xanh và những chướng ngại khó vượt
Kinhtedothi - Những năm gần đây, “du lịch xanh” trở thành một xu hướng phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên để phát triển mô hình này, Việt Nam cần phải vượt qua nhiều thách thức, bao gồm xả thải khí nhà kính, tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, quản lý rác thải, quản lý hiệu quả di sản văn hóa…
Du lịch xanh theo nghĩa thông thường là việc sử dụng nguyên vật liệu gần tự nhiên, gắn với tự nhiên, tôn trọng tự nhiên. Du lịch xanh gắn với việc tiết kiệm tài nguyên, tận dụng năng lượng mặt trời, sức gió, sức nước, gắn với sử dụng sản phẩm hữu cơ thuần khiết và thực phẩm sạch…
Thách thức lớn
Theo một khảo sát gần đây của TripAdvisor, trang web về du lịch nổi tiếng thế giới, gần 2/3 trong số khách du lịch đang ngày càng có xu hướng lựa chọn hợp lý hơn với môi trường và du lịch xanh. Với xu hướng như vậy, ngành công nghiệp không khói Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được, khi sở hữu lượng lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên hiếm có.
“Việt Nam có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa nhân văn rất phong phú, đa dạng. Đó là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch xanh. Mặt khác, Việt Nam cũng là một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do vậy, chúng ta càng cần phải phát triển du lịch xanh, góp phần phát triển một nền kinh tế xanh bền vững” - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) Nguyễn Văn Đính chia sẻ tại Diễn đàn “Du lịch xanh” trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - Hà Nội 2019.
Du lịch là một ngành công nghiệp không khói, tuy nhiên với đặc thù là ngành tổng hợp, những tác động của nó đối với nền kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường là không nhỏ. Vai trò của du lịch đóng góp vào tăng trưởng xanh cho nền kinh tế chung rất đáng kể. Việt Nam là điểm đến mới nổi ở khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng nhanh, du khách quốc tế tăng trung bình 18% một năm trong giai đoạn 2014 - 2018.
Tuy nhiên, du lịch cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong khai thác tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường ở các khu đông khách vào mùa cao điểm. Một số điểm du lịch của Việt Nam như Huế, Hội An, Mũi Né, Cà Mau... chịu cảnh sạt lở, mặn xâm nhập, mưa lũ…
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới, đã thực hiện thành công và hiệu quả các giải pháp phát triển du lịch xanh, giải quyết các vấn đề thách thức, hướng tới phát triển du lịch xanh. Có thể nói, đây là xu hướng tất yếu của phát triển du lịch. Còn ở Việt Nam, khái niệm Du lịch xanh mới chỉ được quan tâm những năm gần đây.
Còn theo Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Nguyễn Văn Đính, việc phát triển quá nhanh đã gây nhiều ảnh hưởng đến môi trường du lịch, như: Tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và thay đổi quân bình môi sinh đối với môi trường sống của sinh vật.
Ngày càng nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên các đảo không theo quy hoạch, làm tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển, làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo. Nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xả trực tiếp vào môi trường làm tăng mức độ hữu cơ nước biển ven bờ. Chưa hết, sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa chủ thể kinh tế với các ngành, tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về công nghệ đã dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích.
Con đường phát triển bền vững
Ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh những hạn chế trong nhận thức về bảo vệ môi trường đã làm giảm hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.
“Đó là nguy cơ chính đối với ngành du lịch thời gian tới” - ông lo ngại. Chung quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng không nhỏ của biến đổi khí hậu; các khu vực tập trung nhiều hoạt động du lịch như Hội An, Cà Mau, Mũi Né, Huế… đã và đang phải đối mặt những khó khăn như sạt lở, nước mặn xâm nhập, bờ biển bị xâm thực, mưa lũ... Ông Tuấn dẫn chứng, nhiều hoạt động của các khu resort, khu du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí phải đóng cửa, vì các vấn đề thiên nhiên và biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia cho rằng, thời gian qua, du khách đến Việt Nam có xu hướng chọn các tour, khách sạn bền vững, có nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường. Khảo sát của TripAdvisor cho thấy, 34% số du khách sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để ở những khách sạn thân thiện với môi trường và các hoạt động du lịch bền vững; 50% du khách chi thêm cho những công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn. Đó là xu hướng của khách quốc tế, nhất là du khách đến từ châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan. Họ có ý thức và nhu cầu cao về an toàn và sức khỏe, ngày càng nhiều người muốn quay về với thiên nhiên.
Việt Nam cần có chính sách khuyến khích tăng cường tính “xanh” trong phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch, cũng như các dịch vụ du lịch ứng dụng năng lượng gió, mặt trời, sử dụng vật liệu tái chế, chế biến rác thải; giảm thiểu tiêu hao xăng dầu trong giao thông, tiêu dùng…
Ngoài ra, cần ban hành “bộ tiêu chí du lịch xanh”, trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý, các DN du lịch vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đó cũng là căn cứ để công nhận sản phẩm du lịch xanh như “tour du lịch xanh”, “khách sạn xanh”, “nhà hàng xanh”, “khu nghỉ dưỡng xanh”…
Phát triển sản phẩm du lịch xanh theo hướng tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương là giải pháp để Việt Nam phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012.